Những vụ máy bay rơi
11-03-14
Những vụ máy bay rơi thường được coi là thảm họa về tai nạn hàng không. Chúng ta có thể làm được gì? Vì sao nó xảy ra cho một số người? Vì sao có người sống và có người chết sau tai nạn. Và đơn giản nhất, vì sao máy bay rơi?
Cảnh báo: Bài này viết về một số vụ tai nạn máy bay, vì thế không dành cho người yếu tim hay dễ trở nên cảm tính (easy to get sentimental).
Chúng ta đang nói về số phận, một trong những chủ đề quan trọng nhất trong cuộc sống. Cái cốt lõi ở đây là, đó là số phận, hay chỉ là sự ngẫu nhiên, vì sao nó xảy ra cho người này mà không xảy ra cho người khác, những người còn sống rút ra bài học gì. Nếu chỉ là ngẫu nhiên, thì cuộc sống này thực sự có ý nghĩa gì? Vì bất kỳ ai cũng có thể ở trên một chuyến bay nào đó.
Máy bay khá an toàn nhưng người ta vẫn sợ
Trước hết, phải khẳng định một chút: Đi máy bay khá an toàn so với giao thông đường bộ. Số vụ tai nạn và người chết vì máy bay là vô cùng hiếm. Ngay cả máy bay bị trục trặc, nó cũng thường hạ cánh được và có thể không gây mất mát sinh mạng. Số người chết vì các hình thức giao thông khác, chết vì bệnh tật, ma túy, ung thư, nhồi máu cơ tim, v.v... chắc chắn vượt xa so với số chết vì máy bay. Nhưng chúng ta ít sợ chết vì nhồi máu cơ tim nhưng rất sợ bị rơi máy bay. Cơ chế của nỗi sợ này là như thế nào?
Sợ vì số người chết lớn
Các vụ tai nạn máy bay thường gợi cho người ta sự thảm khốc vì số lượng người chết rất lớn. Các vụ nhồi máu cơ tim thì thường chỉ 1 người chết, cùng lắm là vài người khi tất cả cùng nhồi máu cơ tim nhưng vô cùng hiếm. Các vụ tai nạn giao thông đường bộ cũng vậy, khi tai nạn xe hơi xảy ra thì một vài người tử vong, nên không gây ra cho người ta nỗi sợ quá lớn. Tất nhiên 2 xe máy tông nhau 6 người chết 1 người trọng thương thì chỉ có ở Việt Nam vì 1 xe chở quá nhiều người nhưng cũng chưa phải số lượng lớn đủ làm người ta sợ đúng không? Vì thế đèo 3, đèo 4 trong trạng thái vừa uống rượu xong vẫn còn khá phổ biến.
Không kiểm soát, không nắm số phận
Đa phần cảm giác mình an toàn hơn khi tự mình lái xe. Vì họ tin họ đủ thông minh để tránh tai nạn và họ kiểm soát được số phận của họ. Thực tế chứng minh ngược lại: Người khác lái xe thì an toàn hơn đa số các bạn tự lái xe. Nhất là, nhiều người thường gặp gỡ bạn bè, uống rượu bia và ngày thường lái xe đã không thông minh lắm (thường xuyên phạm luật, lấn tuyến, đổi làn, quẹo không xi nhan, vượt phải, không nhìn đường, v.v...).
Nhưng khi đi máy bay, số phận bạn đặt hoàn toàn vào tổ lái. Vì thế, bạn bất an. Bạn không biết về lốc xoáy, khu vực áp suất thấp, nguyên lý của máy bay, v.v... và bạn cũng chẳng biết tổ lái là ai. Vì bạn không có kiến thức, nên bạn không kiểm soát được số phận của mình mà phụ thuộc hoàn toàn vào người bạn không biết.
Điều đó chẳng liên quan gì tới độ an toàn. Thực tế, đi máy bay an toàn gần như tuyệt đối. Chỉ có điều, bạn không hiểu, không nắm được số phận mà thôi. Vì thế mà bạn sợ. Thực tế thì không phải ai cũng sợ như bạn, nhất là ... tổ bay. Vì họ được huấn luyện kỹ càng và hiểu các nguyên lý về máy bay, các dòng khí.
Xác suất chết khi tai nạn cao?
Phải đặt một dấu hỏi chấm. Vì thực tế, số vụ trục trặc nhiều nhưng thực sự rơi máy bay và chết người lại rất hiếm. Đa phần các vụ trục trặc động cơ thì phi công đều hạ cánh được máy bay xuống đâu đó. Nhất là chặng bay đường dài người ta có thể hạ cánh và nổi trên mặt biển một thời gian trước khi sơ tán. Và kể cả rơi máy bay, không phải ai cũng chết. Việc nghĩ rằng máy bay rơi chắc chắn chết là suy nghĩ chung của những người ít tìm hiểu hay học hỏi về các vụ tai nạn hàng không.
Vụ hạ cánh và sơ tán khẩn cấp trên sông Hudson - Mỹ
Hội chứng "sợ đi máy bay"
Hội chứng này là rất hiện hữu. Danh thủ Denis Bergkamp (Hà Lan, câu lạc bộ Arsenal) là một người như vậy. Mỗi khi Arsenal thi đấu ở nước khác, anh lại đi tàu hỏa vì anh sợ đi máy bay (Rõ ràng nếu Arsenal phải tới nước Nga xa xôi thì nhiều khả năng anh ngồi nhà vì tới nơi thì cũng mất sức vì đi tàu). Điều đó không có nghĩa là chỉ một số người sợ đi máy bay mà có rất nhiều người sợ đi máy bay. Chỉ có điều, mức độ khác nhau mà thôi.
Hội chứng sợ đi máy bay là gì? Một người sợ đi máy bay sẽ luôn nghĩ tới viễn cảnh máy bay rơi và thấy sợ hãi trong một phần hay suốt chuyến bay. Mồ hôi vã ra như tắm và bất kỳ một sự "khác lạ" nào, ví dụ như âm thanh, hay rung lắc đều làm họ cảm giác máy bay sắp bị tai nạn tới nơi. Họ luôn tưởng tượng ra phía trước có lốc xoáy, máy bay sắp rơi vào đó và thế là ... tèo! Họ sợ vã cả mồ hôi đến mức mất tự chủ. Dù tiếp viên hàng không trấn an họ là xác suất rơi máy bay rất thấp chỉ khoảng .... nhưng họ cũng chỉ an tâm thêm một chút. Họ luôn ngó ra cửa sổ xem có gì khác lạ hay có loài chim nào sắp tấn công máy bay không. Đây là những người "mắc chứng sợ đi máy bay". Cũng tự như hội chứng sợ độ cao vậy.
Nhưng trong mỗi chúng ta đều có nỗi sợ như vậy. Đặc biệt, số lần bay càng nhiều thì nỗi sợ càng tăng. Thông thường, ta sẽ nghĩ là càng đi quen càng đỡ sợ, nhưng điều này không đúng với đi máy bay. Theo suy nghĩ của Takahashi thì việc này liên quan tới XÁC SUẤT. Ngày trong tiềm thức của chúng ta đều nghĩ là máy bay sẽ rơi theo xác suất nào đó và "tôi đã đi khá nhiều luần và an toàn, nghĩa là xác suất lần này sẽ lớn hơn". Càng ngày, chúng ta càng cảm thấy xác suất nó lớn hơn và càng sợ hơn.
Thú vị đúng không? Nhưng tôi xin nói là xác suất đấy cực bé và càng bé hơn với các máy bay hiện đại. Với các máy bay cũ như TU của Nga thì xác suất không hạ cánh đúng cách sẽ khá lớn nhưng với Boeing đời mới thì không có vẻ gì là như vậy. Ngoài ra, xác suất cho chuyến bay sắp tới rất ít liên quan tới các chuyến trước đây. Việc này liên quan nhiều tới việc bảo trì máy bay, đội ngũ kỹ thuật, kinh nghiệm tổ lái, điều kiện thời tiết, v.v... chứ chẳng mấy liên quan tới "số phận của tôi" cả. Mọi người sợ một phần do quá coi trọng bản thân và nghĩ quá nhiều tới số phận của bản thân mà thôi.
Thời trẻ, Takahashi cũng bất an khi đi máy bay. Không sợ tới mức mất lý trí mà thường nằm mơ thấy cảnh máy bay rơi hay hạ cánh khẩn cấp, thậm chí cả máy bay quân sự tới cứu hộ. Nhưng sau này tôi không sợ nữa. Làm thế nào để không sợ đi máy bay nữa thì tôi sẽ nói sau. Nó cũng giống như nỗi sợ động đất, có phải động đất là người ta chết ngay đâu? Thường sau đó là do chết ngạt, chết cháy, và chủ yếu là do cách hành động thiếu hiểu biết về động đất.
Bạn càng hiểu biết, bạn càng an toàn
Sự không hiểu biết (không học tập) khiến người ta lo sợ và bất an. Nếu bạn luôn lo sợ, bất an, thì thời gian và sức lực đâu để thành công và sống hoành tráng? Để hiểu biết hơn về cuộc sống, thì chúng ta phải học tập.
Tỷ lệ chết vì tai nạn máy bay
Trước hết, chúng phải định nghĩa lại một chút. Tốt nhất là tính tỷ lệ chết vì giao thông đường bộ và chết vì tại nạn máy bay. Ở Mỹ có những thống kê như vậy và tôi không nhớ chính xác mà chỉ biết là máy bay thực ra an toàn hơn xe hơi nhiều.
Nhưng chúng ta phải phân biệt "tỷ lệ tai nạn hàng không" và "tỷ lệ chết vì tai nạn hàng không". Đây là 2 khái niệm khác nhau. Tỷ lệ tai nạn hàng không tính bằng (Tổng số chuyến bị tai nạn / Tổng số chuyến). Vấn đề là, không phải cứ bị tai nạn là máy bay rơi hay nổ tung và tất cả chết hết. Vì máy bay vẫn có thể hạ cánh khẩn và sơ tán hành khách. Cuối cùng, mỗi ngày có hàng chục triệu hành khách di chuyển bằng máy bay đúng không? Nhưng tỷ lệ tai nạn máy bay thì hiếm khi lắm chúng ta mới nghe thấy. Và những vụ chúng ta nghe được thì đa phần đều hạ cánh xuống đâu đó, vài người chết, vài người bị thương nhưng đa số an toàn. Nếu muốn có con số, bạn hãy tính có bao nhiêu người đi máy bay 1 ngày và trong 1 năm có bao nhiêu người chết vì tai nạn máy bay. Bạn chắc chắn sẽ thấy thấp một cách đáng ngạc nhiên, thậm chí có thể khằng định là "gần tuyệt đối an toàn". Chẳng có hành động nào của con người mà ít dẫn tới cái chết như đi máy bay!
Vì sao nên tin tưởng tổ bay?
Vì họ cũng ngồi trên máy bay. Vì họ lương cao và không muốn sự cố nào đó khiến họ bị mất việc. Vì họ được huấn luyện kỹ càng (họ phải có hàng ngàn giờ bay trước khi chở khách).
Đánh giá một phi công tốt nhất vẫn chính là số giờ bay của anh ta. Giống như đánh giá khả năng tiếng Nhật của bạn qua số giờ bạn đã học tiếng Nhật, hay số từ vựng mà bạn có trong đầu, gần như khá chính xác. (Vì thế, các bạn đi du học có lợi thế to lớn vì một cách tự nhiên số giờ tiếng Nhật của họ lên rất cao.)
Hiểu một chút về máy bay
Hiểu một chút về máy bay cũng tốt. Nhiều người chỉ nghĩ là cháy động cơ là tiêu, máy bay sẽ lao xuống thẳng đứng, nổ cái đùng và tất cả đều tiêu mà chưa kịp nhắn tin gì. Vấn đề là, tại sao lúc đó bạn lại đi nhắn tin ha ha. Hãy tìm đường mà sống sót chứ.
Thật ra, máy bay có 2 động cơ, và nếu hỏng 1 động cơ thì vẫn bay bình thường. Xác suất hỏng 2 động cơ cùng lúc khá là khó vì trước khi bay, máy bay đều được kiểm tra kỹ càng. Nhưng nếu hỏng 2 động cơ thì sao? Có phải máy bay sẽ rơi xuống và vỡ tan?
Cũng ... không hẳn như vậy. Máy bay được thiết kết với đôi cánh giúp không khí nâng máy bay lên. Thưc tế là máy bay sẽ bay tà tà và lướt xuống. Do đó, khi hỏng 2 động cơ thì phi công sẽ nỗ lực hạ cánh xuống biển, hay sông để sơ tán hành khách bằng cầu phao và xuồng cứu hộ.
Thế rủi ro lớn nhất của máy bay là gì? Bị gãy cánh. Máy bay sẽ không lượn được nữa mà có thể theo quỹ đạo bất kỳ, thậm chí lao thẳng xuống. Nhưng dù sao, vì máy bay bay với tốc độ khá lớn (600 km/h - 900 km/h) nên khả năng lớn nhất là máy bay tiếp tục lao đi và hạ thấp độ cao dần. Một rủi ro lớn nữa là bị nổ, thường là do tiếp đất không đúng cách. Do đó, khi thời tiết hay điều kiện sân bay không an toàn, hay chấn tiếp đất máy bay không bung ra được, máy bay sẽ bay lòng vòng trên trời cho gần hết nhiên liệu mới hạ cánh. Điều đó để nếu lỡ va chạm thì sẽ hạn chế được cháy nổ. Tất nhiên là sau khi tiếp đất sẽ sơ tán hành khách khẩn cấp.
Bên trong máy bay
Bên trong máy bay có các tiếp viên duyên dáng. Chẳng nói điều này thì ai cũng biết. Vì thế, chúng ta chăm đi máy bay.
Nhưng tôi nói một chút về xử lý tình huống trong máy bay. Khi chúng ta bay (tầm độ cao 10 km - thực ra là chẳng lớn vì vận tốc máy bay là 600 - 900 km/h mà) thì bên ngoài không khí cực loãng, áp suất thấp và cực kỳ lạnh. Nhưng trong máy bay thì có duy trì áp suất và điều hòa nhiệt độ. Nghĩa là nếu chúng ta đục lỗ trong máy bay, hay cố mở cửa số như một số hành khách Việt Nam ("cho mát", "tôi thấy hơi ngột ngạt", ...) thì máy bay bị giảm áp nhanh chóng và ô xy xuống mức thấp, bạn sẽ ngất.
Nhưng trong máy bay có bộ phận nhận biết áp suất (sensor áp suất), nếu áp suất giảm quá nhanh mặt nạ dưỡng khí sẽ bung ra trước mặt mỗi hành khách để bạn thở. Cái khó là, nếu bạn đi cùng con bạn thì sao? Bạn sẽ đeo cho ai trước. Bạn phải SUY NGHĨ về điều đó. Hành động đúng là bạn phải đeo cho bạn trước rồi mới tới con bạn. Hãy nghĩ xem tại sao lại như thế.
Ngoài ra, khi máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống mặt biển thì cầu phao cửa thoát hiểm sẽ được bung ra. Bạn phải lấy áo phao cứu sinh dưới máy bay mặc vào và thoát hiểm theo đường cầu phao này xuống xuống cứu sinh. Bạn không được mang hành lý, giày dép (phải đi chân không). Bạn có biết vì sao lại thế không?
Vấn đề là nhiều người chẳng học gì về những điều này dù họ đi máy bay nhiều lần. Vì họ trông chờ vào vận may (rely on luck) nhiều hơn là học hỏi.
Rơi máy bay không hẳn sẽ chết
Có phải rơi máy bay là chết đâu. Chủ tịch câu lạc bộ Bayern Munich, ông Uli Hoeness là một ví dụ. Ông ấy bị rơi máy bay hẳn hoi, toàn bộ bạn bè chết nhưng ông ấy vẫn sống vì ... ông ấy ngủ khi đi máy bay. Khi bạn ngủ thì xác suất chết thực tế là ít hơn. Và nó có nguyên nhân. Vì bạn không chống cự lại quy luật tự nhiên! Chỉ cần bạn buộc chặt vào ghế (đai an toàn) và phó mặc, thì nhìn chung trừ khi có gì đâm vào người bạn thôi chứ nếu thân máy bay không vỡ hoàn toàn thì bạn chỉ bị xây xước. Điều này là hiển nhiên đúng không? Nếu máy bay không vỡ, bẹp dúm và chèn người bạn thì về cơ bản bạn vẫn đang ngồi trên ghế nếu đai an toàn đủ chắc.
Nhưng vấn đề của nhiều người là hốt hoảng và ... tự mình cởi dây an toàn để chạy chốn. Bạn chạy đi đâu ở trên không trung hay trong một máy bay đang rơi??
Để minh họa, bạn có thể xem phim công viên kỷ Jura hay phim truyền hình dài tập Lost.
Quan trọng:
- Bạn phải cố định được bạn vào ghế bằng mọi giá, vì nếu rời ghế hay rời máy bay khả năng mất mạng gần như 100%.
- Bạn ngủ thì bạn an toàn hơn, vì bạn không CHỐNG QUY LUẬT TỰ NHIÊN
- Thắt đai an toàn là vô cùng quan trọng
72 ngày trên đỉnh tuyết Andes
Có nhiều vụ tai nạn hàng không nổi tiếng nhưng một vụ mà Takahashi thấy ấn tượng nhất là vụ tai nạn máy bay trên đỉnh núi Andes. Tôi có xem về vụ này trên truyền hình Nhật Bản khi đang sống ở Đông Kinh và chiêm nghiệm về cuộc đời.Vụ này có tên là 1972 Andes flight disaster.
Chúng ta sẽ học được gì qua vụ tai nạn máy bay này? Đó chính là điều quan trọng cho chính chúng ta. Chúng ta an toàn hơn vì chúng ta sử dụng trí thông minh và ham học hỏi. Vì thế, chúng ta luôn tìm hiểu về các vụ tai nạn
Vụ việc là như thế này: Máy bay của không lực Uruguay chở một đội rugby của Uruguay và gia đình họ tới thi đấu tại Santiego, Chile. Chuyến bay phải bay qua đỉnh Andes trong một ngày tuyết và do phi công đánh giá nhầm độ cao mà máy bay va vào đá trên đỉnh núi Andes và vỡ làm đôi. Một vụ rơi máy bay thực sự. 45 người trên máy bay chỉ có 27 người sống sót nhưng vụ lở tuyết sau đó có 8 người nữa chết. Và cuối cùng, sau 72 ngày trên đỉnh tuyết, chỉ có 16 người sống sót. 72 ngày ở một nơi toàn tuyết, làm sao họ sống sót?
Họ ... ăn thịt người. Cụ thể là của những người đã chết được bảo tồn trong tuyết. Để tìm được cứu hộ, họ phải sinh tồn và bổ sung chất đạm (protein). Và họ cứ nghĩ là họ bị rơi máy bay ở bên kia dạy Andes, tức là bên sườn núi lãnh thổ Chile. Họ đã sai, vì thực tế máy bay rơi tại bên này dãy Andes, trên lãnh thổ Uruguay. Một số người trong số họ đã vượt các ngọn núi tuyết trùng điệp để đi về phía Chile - nơi họ nghĩ gần hơn, để xin cứu hộ. Chính vì sai lầm này nên quá trình sống trên núi tuyết dài hơn. Cuối cùng, những người được gửi đi được phát hiện bởi những người chăn cứu Chile và họ được cứu thoát.
Vấn đề là, mỗi người trong chúng ta rút ra bài học gì? Hay chỉ đơn thuần nghĩ là tôi sẽ không gặp tình huống như vậy. Hay nghĩ là ta cao đẹp và không ăn thịt người trong tình huống như vậy? Nếu suy nghĩ kỹ càng, chắc chắn mỗi người sẽ phải thay đổi.
Điều kỳ lạ của nhiều người là khi chết, hay cận kề cái chết rồi họ mới cố sống có ý nghĩa. Nhưng quá muộn rồi. Họ hoàn toàn không học bài học từ người khác mà chỉ sống dựa vào vận may (rely on luck).
Định luật Takahashi: Tôi chỉ sống cho tới khi tôi chết.
Trở nên cảm tính và đánh mất lý trí
Đứng trước bi kịch tang thương của bản thân, thậm chí của ... người khác, nhiều người trở nên cảm tính (getting sentimental) và đánh mất lý trí, hành động kỳ lạ và mang tính hủy hoại. Ví dụ, thấy vụ rơi máy bay thì họ cầu nguyện, mong bình an, thể hiện sự lo sợ / thể hiện sự cao quý / thể hiện sự tiếc thương, v.v... Cái này gọi là trở nên cảm tính. Thực tế, việc trở nên cảm tính này chẳng giúp ích cho ai cả. Không giúp ngăn các vụ tai nạn hay thảm kịch.
Vì họ lo sợ cho bản thân!
Nếu vụ mất tích máy bay mà cuối cùng mọi người đều an toàn, thì họ không cần nỗ lực hay học tập gì cả. Họ vẫn có thể sống như cũ và trông chờ vào vận may. Cái sâu thẳm vẫn là họ lo lắng cho bản thân và gia đình họ, hơn là cho các nạn nhân. Sau những vụ thảm kịch, họ có mạnh mẽ hơn không? Họ có học tập để ngăn chặn chúng? Họ có sống có ý nghĩa hơn? Tôi e là không. Vì họ dành hết sức cho việc cảm tính chứ không suy nghĩ. Nhưng đó là lựa chọn của họ và thực tế là họ dành cả đời để lo sợ.
Thậm chí, khi cảm tính lên, nếu ai không tỏ sự "thương xót" thì họ còn đánh giá là "máu lạnh, tàn nhẫn, độc ác, ..." nữa kia. Theo tôi, người cảm tính là người ít nghĩ và phó mặc cuộc đời cho số phận.
Nhưng trở nên cảm tính không giúp bạn an toàn hơn mà thực tế kém an toàn đi. Nếu bạn ở tình thế nguy nan mà cứ lo lắng sẽ nhắn tin nhắn cuối cùng cho gia đình như thế nào, nội dung gì thì xác suất chết cao hơn. Những người không cảm tính thì sẽ dùng lý trí để xem: Giờ tôi làm gì là an toàn nhất. Cách suy nghĩ và hành động trong tình thế nguy nan chính là BẢN LĨNH. Vì thế có người khó chết và có người dễ chết. Đâu chỉ hoàn toàn là số phận?
Chúng ta học được gì?
Nếu bạn ở trong một máy bay bị cháy hết động cơ, bạn sẽ làm gì? Cảm xúc bạn sẽ thế nào?
Liệu bạn có HỐI TIẾC về cuộc đời đã sống?
Đó chính là vấn đề, đúng không nhỉ? Ai cũng chết và trước cái chết, liệu chúng ta có HỐI TIẾC về cuộc đời đã sống?
Nếu ngày mai bạn chết, trong một chiếc máy bay rơi chẳng hạn, bạn có hối tiếc không?
Tôi luôn suy nghĩ về điều đó. Đó là động lực để tôi sống và hành động. Có nghĩa là, ngày nào tôi cũng phải nỗ lực để sống có ý nghĩa (với bản thân tôi). Khi bạn không hối tiếc về mỗi ngày bạn sống, chắc chắn bạn không cảm thấy sợ hãi trước cái chết. Vì thế, bạn nên theo đuổi ước mơ của bạn, mục đích của bạn và những việc bạn muốn làm. Hãy sống như thể ngày mai bạn sẽ chết, đó chính là bí quyết để bạn không sợ hãi hay ưu tư về cái chết.
Không đúng với những người cảm tính
Điều này chẳng đúng với người cảm tính. Vì nếu suy nghĩ thế, ngay lập tức họ tìm tới người được coi là gia đình, người thân và bày tỏ tình cảm với họ. Để làm gì?? Bạn phải sống tốt cho bạn, và làm sao bản thân thấy có ý nghĩa, chứ không phải tốt cho người khác và bỏ mặc bản thân bơ vơ giữa cuộc đời. Không phải nếu chỉ còn 1 ngày để sống thì bạn đi làm từ thiện ngay hết tất cả tài sản.
Chỉ còn 1 ngày nhưng bạn cũng không coi trọng, mà đem cho những người không đáng sao? Hãy nghĩ về điều đó. Những người được bạn làm từ thiện hoàn toàn chẳng có ước mơ hay mục đích gì tốt cho họ cả. Họ trông chờ vào người khác.
Nếu mai là ngày tận thế, liệu bạn sẽ tận hưởng cái gọi là SỰ SỐNG? Hay chỉ đơn thuần là đi gặp tất cả mọi người, bày tỏ tình cảm, lòng yêu thương, nói lời xã giao, chào hỏi với họ? Mai là tận thế cơ mà, tất cả đều chết và chẳng ai nhớ gì hết. Bạn làm việc vô nghĩa trong ngày cuối cùng sao? Ha ha, đó chỉ là sự cảm tính.
Tôi thấy chẳng có lý gì làm như vậy. Sẽ vẫn nên sống thanh thản và có ý nghĩa thôi. Vì thế, tôi luôn sống từng ngày và phải luôn suy nghĩ hôm nay mình học gì, làm gì.
Quan trọng là bạn sống như thế nào
Nhiều người quá coi trọng sự sống của họ, mặc dù họ sống không có ý nghĩa gì mấy. Họ quan tâm xem khi chết sẽ thế nào, nhiều người đưa tang không, ... hơn là họ sống như thế nào. Theo tôi, cuộc đời của mỗi người chính là họ sống thế nào, theo đuổi lý tưởng gì. Chỉ có cách đó thì cuộc sống mới có ý nghĩa và không sợ trước cái chết. Cái chết sẽ thành một món quà.
Còn với người sống không ý nghĩa, không theo đuổi lý tưởng, cả cuộc đời của họ là nỗi sợ và sự hối tiếc.
Vì thế, nếu bạn còn trẻ, hãy trải nghiệm, theo đuổi ước mơ và cuôc sống bạn mong muốn. Hãy tập trung vào mong muốn, lý tưởng của bạn thay vì người khác. Bạn sẽ thấy cuộc đời khá đơn giản và là một chuyến phiêu lưu thú vị.
Nếu bạn là một người phiêu lưu, việc gì phải sợ hãi khi bước chân lên máy bay khi trên đó rất nhiều tiếp viên xinh đẹp? Sống có nghĩa là phiêu lưu và không sợ hãi. Còn sợ hãi thì mãi mãi ngồi xó nhà và hối tiếc những tháng ngày đã qua.
Đây chỉ là chém gió giết thời gian, không cần quá suy nghĩ về nó. Nhưng chắc chắn học tập từ xung quanh sẽ làm bạn an toàn hơn, và dám phiêu lưu sẽ giúp cuộc sống của bạn thú vị hơn.
Nếu ngày mai tôi chết, thì hôm nay tôi sẽ làm gì? Và tôi có thực sự làm điều đó mà không hối hận ( đặc biệt, nếu nhỡ mai không chết)?
Hãy luôn nghĩ về điều đó!
Good luck!
(C) Takahashi