Động đất có nguy hiểm?
Động đất và cách phòng chống
Chắc các bạn định du học Nhật Bản cũng hay để tâm đến động đất. Quả thực, ở Nhật có rất nhiều trận động đất nhẹ, từ những trận động đất khó cảm nhận cho tới những trận động đất rung lắc rõ rệt. Hồi Takahashi ở Nhật cũng có khá nhiều động đất, nhiều khi nằm trong nhà thấy rung lắc quá cũng đâm ... run, vơ vội quần áo có gì chạy lẹ trước chỉnh tề sau.
Động đất có nguy hiểm không? Câu trả lời là có và không. Ví dụ so sánh tốt nhất là "Đi máy bay có nguy hiểm không?" => Bạn sẽ trả lời thế nào.
Vậy đi máy bay có nguy hiểm không? Về xác suất thì câu trả lời là không, vì tai nạn hay trục trặc máy bay ít hơn ô tô xe máy nhiều. Đi máy bay thường gây cảm giác bất an mà thôi, vì bạn nghĩ rằng nếu có vấn đề gì thì khó có khả năng sống sót. Nhưng ngay cả lý luận này cũng thiếu căn cứ: Có nhiều người rơi máy bay vẫn sống (đặc biệt là những người ngủ khi bay!). Ngay cả máy bay cháy động cơ, nó vẫn có thể đáp xuống biển và nổi. Có một vụ rơi máy may nổi tiếng ở núi Andes khi bay từ Ác-hen-ti-na qua Chi-lê, máy bay va mỏm núi đá và vỡ đôi. Một số người chết ngay nhưng vài chục người sống sót sau khi trải qua 90 ngày trên đỉnh tuyết. Nếu bạn chịu khó tìm hiểu, thì bạn thấy đi máy bay không nguy hiểm quá mức và quan trọng chính là cách bạn hành động khi có sự cố. Tôi đi máy bay thì lần nào nằm mơ cũng thấy nó gặp nạn, hay thỉnh thoảng nó chao đảo khi vào cơn bão, nhưng ơn trời cho đến nay vẫn không có vấn đề gì.
Trở lại với động đất, nó không nguy hiểm như bạn nghĩ và người dân Nhật đã quen với nó rồi. Họ được học cách đối phó với nó từ nhỏ. Và động đất cũng là một trong những thứ hình thành nên văn hóa Nhật Bản: Vì họ quen sống với thảm họa thiên nhiên nên họ coi trọng cái đẹp và triết lý cái đẹp thường chỉ tồn tại ngắn ngủi. Giống như loài hoa anh đào vậy, thật đẹp nhưng cũng thật ngắn ngủi.
Động đất thì cũng chỉ thế này là cùng!
Một số thực tế quan trọng về động đất
Một số điều mà bạn cần nhớ khi sống tại Nhật:
Động đất là không dự báo được, mặc dù người Nhật đặt các trạm quan trắc ở tất cả mọi nơi, kể cả lòng biển. Chỉ có thể dự đoán xu thế chứ không dự báo được chính xác khi nào nó xảy ra. Đây là điều mà mình sống phần lớn thời gian khá yên tâm vì cứ tưởng nó dự báo được.
Nhà cửa ở Nhật đều thiết kế chống động đất: Xây bằng kết cấu khung thép chặt chẽ thay vì tường gạch hay lắp ghép. Do đó, nhà ở Nhật đối phó với động đất tốt hơn hẳn các nước khác. Ở Nhật thì ngành xây dựng chống động đất cực kỳ phát triển. Đặc biệt, các nhà cao vài chục tầng có thể rung lắc dữ dội nhưng không sập, và nhiều khi còn an toàn hơn nhà gỗ.
Động đất chỉ nguy hiểm khi nó xảy ra NGAY DƯỚI vùng bạn sống, nghĩa là xác suất bạn bị dính cũng không lớn. Phần lớn các trận động đất lớn nhất là dưới lòng đại dương => Có thể gây ra sóng thần. Trong trận động đất ở Kobe năm 1995 làm 5 ngàn người chết là do xảy ra cực gần Kobe.
Động đất ít trực tiếp gây ra chết người, mà thường các hệ quả kéo theo gây chết người: Nổ, cháy, xì ga, ngạt khói, v.v... Thường là cháy và ngạt làm người ta chết chứ ít khi bị nhà sập mà chết. Bạn nên nhớ là nhà ở Nhật thiết kế khung sắt chống động đất.
Trận động đất đầu tiên không phải nguy hiểm nhất, mà các dư chấn sau đó có thể còn nguy hiểm hơn: Nó là quá trình đổ vỡ địa chất, đổ vỡ đầu tiên không có nghĩa là đã xong.
Đối phó khi có động đất xảy ra
Bạn sẽ được học về cách đối phó khi có động đất xảy ra khi sang Nhật. Ở các quận như quận Meguro (Tokyo) có cả quyển sổ tay phòng chống động đất, khi bạn đăng ký cư trú họ sẽ phát cho bạn. Các trường tiếng Nhật cũng thường dạy cách phòng chống động đất. Thậm chí họ còn mang cả xe tải đến để mô phỏng động đất và nhét bạn vào trong xe.
Ở đây, tôi tóm tắt một số điều cốt lõi.
Khi động đất xảy ra
Hãy chui xuống gầm bàn hay chỗ nào an toàn, hay trùm chăn mền lên đầu. Tránh tuyết đối chạy ra ngoài khi động đất vừa xảy ra. Lý do: Lúc động đất mới xảy ra các vật sẽ bị rơi khá nhiều, ví dụ như đèn, mảnh kính, v.v... Nếu bạn bị thương và mất hay giảm khả năng di chuyển thì bạn sẽ khó mà hành động tiếp theo nữa. Do đó, hãy đảm bảo thân thể không bị thương bằng cách chui xuống dưới cái gì đó.
Dư chấn có thể còn mạnh hơn. Do đó, bạn không nên nghĩ động đất xong là xong mà phải chuẩn bị ứng phó với dư chấn nữa. Thường là bạn sẽ đi theo dòng người tới những nơi tỵ nạn động động đất được chuẩn bị sẵn trên toàn nước Nhật. Bạn theo loa mà di chuyển đến nơi an toàn.
Khi cơn chấn động đầu tiên qua đi, tốt nhất hãy mở sẵn cửa, tắt hết ga và các nguồn điện không cần thiết. Nhớ khóa ga (ở Nhật dùng đường ống ga, chỉ một số nơi dùng bình ga LP). Cháy, nổ, ngạt khói là thứ tối kỵ mà bạn phải tránh. Mở cửa để tránh bị kẹt cửa và bạn có thể thoát ra ngoài sau đó. Nếu nhà bị siêu vẹo và khóa cửa bị kẹt thì sẽ rất khó để bạn tự bò ra ngoài.
Bạn có thể theo dõi tin tức và cách đối phó qua đài. Hãy xem tin tức tiếp theo về động đất để ứng phó.
Ở Nhật, người ta thường trữ cả những chai nước và bánh quy để dùng lúc động đất, thời hạn sử dụng của chúng có thể tới 5 năm. Nhìn chung, khi bạn đã ra ngoài được an toàn rồi thì bạn sẽ tới những nơi dùng cho việc đối phó với động đất được xây dựng khắp nước Nhật và có thể về nhà khi mọi thứ đã an toàn.
Hãng điện thoại NTT cũng chuẩn bị cả đường dây để mọi người có thể xác nhận sự an toàn của nhau. Những điều này bạn sẽ được học khi sang Nhật.
Động đất là do gì?
Đó là đứt vỡ hay thay đổi về địa chất trong lòng trái đất. Ví dụ có hai mảng địa chất di chuyển và va chạm nhau (tất nhiên là hàng triệu năm) dẫn tới đứt vỡ và sụt lún ở đâu đó.
Động đất tiếng Nhật là 地震 jishin (ĐỊA CHẤN), đồng âm với 自信 jishin (TỰ TIN) và 自身 jishin (TƯ THÂN = tự mình, bản thân).
Cách bạn chuẩn bị và ứng phó mới quan trọng
Nếu bạn hiểu biết về động đất và có cách ứng phó thích hợp thì bạn sẽ khá an toàn. Nếu bạn biết là sóng thần ở Indonesia lập tức gây chết 200 ngàn người thì bạn có thể thấy là thảm họa thiên tai ở Nhật gây ra số thương vong thấp hơn rất nhiều vì họ đã có kiến thức và sự chuẩn bị. Ngay cả sóng thần Indonesia, không phải ai cũng chết vì có một số người nhận ra nước rút nhanh đã cảnh báo và chạy lẹ. Quan trọng ở đây chính là kiến thức và sự đối phó thôi. Cùng một trận động đất, nếu nó xảy ra ở một thành phố nào ở châu Á thì đó sẽ là thảm họa cực lớn, nhưng ở Nhật thì thiệt hại nhân mạng sẽ nhỏ hơn rất nhiều - mặc dù các tòa nhà chọc trời có thể rung lắc dữ dội.
Bạn nên học cách ứng phó và thích ứng với thảm họa, thay vì chỉ cầu mong nó không xảy ra hay sợ hãi nó. Takahashi thấy sự sợ hãi còn đáng sợ hơn cả thảm họa nữa. Ngay cả giao thông trên đường, nếu bạn biết cách và biết quan sát thì hầu như không bị tai nạn được.
Thảm họa động đất, hạt nhân 2011 là ví dụ. Nhiều người sợ bỏ đi khỏi Tokyo luôn vì họ sợ phóng xạ. Nhưng mình search trên mạng thì thấy được vài vấn đề sau:
Bình thường trong không khí đã có sẵn tia phóng xạ từ vũ trụ rồi. Nghĩa là không phải phóng xạ sẽ gây ra gì đó, mà nó phải đủ nồng độ và thời lượng.
Mình có biết về vật lý: Phóng xạ hay bất cứ gì khi lan truyền sẽ giảm cường độ theo bình phương khoảng cách. Nghĩa là nó không thể đi xa mà giữ nguyên cường độ được.
Vụ phóng xạ Chernobyl: Mình đã đọc về bài này và thấy là đã nhiều chục năm trôi qua, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng rõ rệt là nó có ảnh hưởng tới sức khỏe. Các bạn có thể đọc trên Wikipedia, nó có đoạn này:
Tuy thế, phần lớn những người bị tác hại thường bị ít và không có bằng chứng cụ thể chứng minh tăng số tử vong, quái thai và bệnh tật bẩm sinh, ung thư trong những người này. Nếu có xét nghiệm một vài trường hợp, không thể khẳng định nguyên nhân là do tai nạn lò nguyên tử.
Do đó, mình kết luận là không cần di tản. Những ai nghe lời mình thì không tốn kém tiền máy bay, còn ai không nghe thì sẽ tốn khá tiền. Thực ra thì mình cũng không chịu trách nhiệm hay khuyên gì, mà chỉ đưa ra các thông tin thế thôi. Chứ có gì sau này đổ lên đầu thì mình cũng không chịu trách nhiệm gì. Dù sao, nếu là mình chắc mình vẫn bình chân như vại thôi. Cái tính mình được cái là ít sợ vô căn cứ.
Bạn càng hiểu biết, bạn càng an toàn!
Takahshi @ Cuộc Sống Nhật Bản