Chiến lược "Con cáo và chùm nho"
Truyện ngụ ngôn (tiếng Nhật: 寓話 = ぐうわ Guuwa, kanji: Ngụ Thoại) thì khá nổi tiếng rồi. Tên tiếng Nhật của truyện là 狐と葡萄 kitsune to budou (Hồ và Bồ Đào) hay すっぱい葡萄 (= nho chua).
Chắc bạn biết cả rồi! Takahashi còn kể lại làm gì cho mất thời gian. Thế ý nghĩa câu chuyện là gì?
Vấn đề chính là ở chỗ này, cũng như mọi câu chuyện ngụ ngôn khác. Đa phần mọi người đều "lên án cáo", tức là kẻ thất bại (loser) luôn tìm lý do bao biện. Hay thái độ không nhất quán. Thậm chí có học giả (nguồn: Wikipedia) còn kết luận thế này:
"Câu chuyện ngụ ngôn minh hoạ khái niệm bất hoà hợp về nhận thức xảy ra khi một người cố gắng đồng thời giữ các ý nghĩ không tương hợp. Sự bất hoà hợp này có thể được làm giảm đi bằng cách thay đổi niềm tin hoặc trạng thái ước muốn, cho dù nó dẫn đến hành vi không hợp lí."
Tốt thôi, nhưng VÔ ÍCH. Takahashi thì thấy con cáo đã hành động rất khôn ngoan và hợp lý, và chúng ta nên theo đuổi Chiến lược "Con cáo và chùm nho" (「狐と葡萄」戦略) hay còn gọi là Chiến lược "Nho xanh" (「すっぱい葡萄」戦略) do ... Takahashi đề xướng. (Miễn trách nhiệm: Những cái do Takahashi đề xướng đa phần đều là ... rác nhân loại.)
Để cho xôm tụ, tôi còn sáng tác cả tấm ảnh này để thuyết minh cho hoành tráng, chùm nho này là do bạn tôi Hidetoshi chụp ở vườn nho gần núi Phú Sỹ nhé:
Truyện ngụ ngôn và những bài học
Vấn đề của đa phần mọi người là sự nông cạn, hời hợt và họ chẳng học được gì hữu ích từ các câu chuyện ngụ ngôn. Đa phần chỉ rút ra những kết luận có thể nói là RẺ TIỀN và NÔNG CẠN. Thế thì đọc truyện làm gì, nếu nó không giúp ích để cuộc sống tốt hơn? Và cuối cùng, vấn đề vẫn là, ai sẽ chỉ cho bạn ý nghĩa thực sự hữu ích của các câu chuyện? Nếu bạn không có người chỉ đường (mentor) hoặc rất thông minh thì truyện ngụ ngôn chỉ có tác dụng giải trí nhất thời.
Họ sẽ sa đà và phê phán - điều tối kỵ trong việc có cuộc sống hoành tráng và có ý nghĩa. Ngay câu chuyện con cáo và chùm nho, ngay lập tức họ phê phán con cáo. Trong khi, trong cuộc sống họ làm y chang như thế, thậm chí ở một mức độ còn cay đắng hơn. Chúng ta ôn lại định luật bất biến của ... Takahashi nhé:
Bạn phê phán điều gì thì điều đó sẽ vận vào đời bạn
Ở đây, chúng ta tuyệt đối không phê phán. Và trong câu chuyện thì con cáo hành động vô cùng hợp lý. Nó đã cố hết sức nhưng vẫn không với tới chùm nho và bỏ đi, sau khi kết luận là "nho còn xanh lắm". Thế thì có gì sai? Trong cuộc sống, đó là cách chúng ta hành động. Việc bỏ đi chứng tỏ là con cáo khá khôn và hiểu là cái không thể đạt tới trong hiện tại thì không cần phải tiếc nuối. Và con cáo cũng rất biết cách giải tỏa căng thẳng bằng cách kết luận "nho còn xanh lắm, chắc gì đã ăn được".
Bạn có làm được như con cáo không? Tôi e là không đâu.
Chiến lược "Con cáo và chùm nho"
Trong cuộc sống, người ta thường làm ngược lại với hành động của con cáo. Họ không dám bỏ đi. Mãi mãi họ cứ theo đuổi một ảo mộng nào đó mà họ không với tới được. Họ buộc mình vào nó, sống đau khổ, dằn vặt cả đời. Mà điển hình là yêu đơn phương. Yêu đơn phương thì tốt thôi, nhưng bạn được gì? Tôi thấy ngoài việc mất thời gian và tổn hại sức khỏe ra thì vô bổ. Vì thế, về cơ bản tôi không yêu đơn phương. Nó chỉ như chùm nho trên cao, chẳng có tác dụng gì cả.
Hãy lấy ví dụ thế này nhé. Bạn gặp một em gái vô cùng xinh đẹp, khiến bạn mê mẩn. Nhưng sau đó bạn thấy em này khó với quá, có thể là em ấy đang gặp khó khăn tài chính, hay phải lo cho gia đình và cần tuyền gấp ... chồng giàu. Nhưng bạn không giàu. Tất nhiên có thể bạn sẽ không giàu, hoặc sẽ giàu. Còn những người giàu mà em ấy nhắm tới có thể chỉ là do cha mẹ có quyền chức, hay do cha mẹ buôn gian bán lận mà giàu, và tương lai sẽ phá sản. Nghĩa là em gái không thích bạn. Thế thì giá trị của em gái (đối với bạn) cũng chỉ bằng không. Chẳng có giá trị gì. Chỉ là nho xanh thôi.
Bài học của "con cáo và chùm nho" là về GIÁ TRỊ QUAN. Bạn phải học cách đánh giá trị trong suốt cuộc đời này, nếu bạn muốn thành công. Nếu bạn không có giá trị quan đúng thì bạn sẽ không thể thành công.
Bạn có thể chết mê chết mệt một em gái nào đó, nhưng nếu em gái đó cũng chỉ thích ... gái thì giá trị phải bằng không chứ. Đáng tiếc, với những người tuyệt vọng (desperate) thì họ bị bó buộc một giá trị quan sai, nên họ sẽ vẫn đánh giá cao giá trị của em gái đó, thổi phồng quá đáng và lên án "căn bệnh quái ác" đã cướp em gái khỏi tay họ. Chẳng có "căn bệnh" nào cả, và chẳng có ai cướp của ai cả.
Nếu bạn là gái, và thích một chàng trai nào đó, rất bảnh trai, lịch lãm, làm việc chu đáo, sự nghiệp ổn định, cư xử khéo được mọi người mến phục. Mỗi tội là anh chàng cũng như bạn, chỉ thích ... giai. Thế thì ý nghĩa mẹ gì! Giá trị bằng không.
Yêu đơn phương là một cơn bạo bệnh về giá trị quan. Người yêu đơn phương thường thổi phồng một cách quá đáng giá trị của đối phương. Nào xinh đẹp, hiền dịu, dễ thương, không có người thứ hai trên đời, ..... Tôi thì đạp cổ ra đường. Với những đứa chảnh, thì phải tống cổ đi ngay. Những con cá chảnh thì câu làm gì cho mất thời gian, lấy đá mà liệng cho nó lượn đi thì nước mới trong, cá khác mới đến. Bọn cá cảnh chỉ có thể ứng xử bằng bạo lực, bạo ngôn mà thôi.
Trong cuộc sống, khi đánh giá ai đó, thứ gì đó, thì giá trị quan đúng là: Nó có làm tôi vui không, nó có giúp cuộc sống của tôi tốt hơn không?
Chỉ đơn giản là thế thôi. Những thứ mà chúng ta không đạt tới được về cơ bản chỉ làm chúng ta tốn não, tốn thời gian vô bổ. Chúng ta biết có những người làm dự án bất động sản, hay có thông tin nội gián để thao túng chứng khoán, kiếm cả núi tiền qua đêm. Nhưng chúng ta có làm được đâu, thế thì chỉ là nho xanh thôi ha ha. Nếu đã là nho xanh, thì còn phải quan tâm làm gì nữa.
Có những cậu ấm, cô chiêu đi du học về (chả học được cái vẹo gì hay, học lực còn kém cả ... Takahashi) nhưng do cha mẹ có công ty bự nên về làm giám đốc, phó giám đốc, ... toàn nho xanh cả. Đám này có ngày ngã lộn cổ. Với bạn có thể là chùm nho chín mọng, nhưng với tôi chỉ là nho xanh thôi. Tôi có cha mẹ giàu có đâu mà đòi hỏi??
Thế còn những em gái xinh đẹp, mỹ miều, tâm hồn thuần khiết như pha lê? Ôi thôi đi. Đúng là đám nho xanh ăn hại chẳng có đam mê lý tưởng quái gì. Chủ yếu là vì tôi cũng không có cách nào câu được thôi, chứ mà câu được thì lại thành nho chín mọng ăn liền ngay ý chứ he he. Đây gọi là chiến lược con cáo và chùm nho. Cái gì chúng ta DỄ DÀNG đạt được thì mới đáng giá.
Một trong những bí mật lớn nhất của cuộc sống chính là: Nhân loại chỉ coi trọng thứ gì mà họ khó khăn mới có được. Còn những thứ dễ dàng có được thì họ không coi trọng.
Vì họ bị cảm tính và giá trị quan có vấn đề. Vì thế, mãi mãi họ cứ sống khó khăn, gian khổ và hiếm khi đạt được thành tựu gì. Theo chiến lược con cáo vào chùm nho của Takahashi, thì thứ mà bạn dễ dàng có được mới đáng giá. Ví dụ, mỗi ngày bạn đều có ánh mặt trời để đi dạo, mỗi năm bạn đều có hoa anh đào để ngắm, thì đó mới đáng giá. Chứ những thứ khó đạt được như người yêu xinh đẹp, sự nghiệp hoành tráng, danh vọng, ... thì đúng ra chẳng có gì đáng giá cả. Vì chúng đều khiến bạn kiệt sức và đa phần đều nằm ngoài tầm với của bạn.
Điều đó không có nghĩa là bạn không đạt được gì. Nếu theo đuổi chiến lược con cáo và chùm nho thì thực tế, bạn thành công hơn đa số người khác. Vì bạn không mất thời gian cho những thứ vô bổ mà bạn không đạt tới được. Bạn không mất thời gian cho nho xanh. Khi bạn theo đuổi điều gì đó mà không bị áp lực, thì bạn dễ thành công hơn nhiều. Đời là thế mà! Nếu bạn cần thứ gì đó, thì giá của nó lập tức tăng lên rất cao. Bạn sẽ phải mua với giá cao thôi. Còn nếu bạn không cần, thì đa phần là "tình cho không, biếu không". Bạn có biết bọn cá cảnh không? Chẳng ý nghĩa gì, nhưng giá luôn rất cao. Chính BẠN đã tự định giá quá cao bằng cách thổi phồng mọi giá trị bằng trí tưởng tượng phong phú và sự cảm tính của bạn. Suy cho cùng, cá cảnh (cá chảnh) cũng chỉ là cá, chẳng như ánh nắng giúp ta tổng hợp vitamin D để chống lại sự trầm cảm đúng không? Có khi còn giúp ta trầm cảm hơn ha ha.
Takahashi - Người tù vĩnh cửu - Giờ giải lao tắm nắng ngày 07-05-2014