Các thủ tục cần làm sau khi tới Nhật

Dưới đây là các thủ tục cần làm sau khi nhập cảnh vào Nhật để du học.

Đăng ký cư trú (đăng ký địa chỉ) và gia nhập bảo hiểm sức khỏe quốc dân

Khi làm thủ tục nhập cảnh Nhật Bản và nộp các giấy tờ cần thiết tại quầy thủ tục nhập cảnh tại sân bay, bạn sẽ nhận lại thẻ lưu trú. Tuy đã có thẻ lưu trú nhưng mặt sau không có địa chỉ của bạn vì bạn chưa đăng ký địa chỉ. Sau khi đã vào Nhật, trường Nhật ngữ (hoặc người quen) sẽ dẫn bạn đi tới trung tâm hành chính thành phố hay quận để làm thủ tục đăng ký cư trú (và cũng là đăng ký địa chỉ).

Nếu bạn sống ở 市 (SHI, City) ví dụ 日野市 Hino-shi (Hino City, Tokyo) thì hãy tới 市役所 Shiyakusho [thị dịch sở] là trung tâm hành chính thành phố.

Nếu bạn sống ở 区 (KU, District) ví dụ 目黒区 Meguro-ku (Tokyo) thì hãy tới 区役所 Kuyakusho [khu dịch sở] là trung tâm hành chính quận.

Khi đăng ký cư trú (đăng ký địa chỉ) thì địa chỉ của bạn sẽ được viết vào mặt sau của thẻ lưu trú (在留カード zairyuu kaado) (xem ví dụ). Sau này, mỗi khi đổi nơi cư trú thì địa chỉ mới sẽ được viết thêm bên dưới (địa chỉ cũ sẽ được gạch ngang) và khi viết hết thì sẽ đổi thẻ mới.

Gợi ý pháp luật: Khi bạn cư trú ở Nhật từ 90 ngày trở lên, bắt buộc phải đăng ký địa chỉ và gia nhập bảo hiểm quốc dân. (Những người không cần là vào Nhật với visa ngắn hạn dưới 90 ngày.)

Gia nhập bảo hiểm sức khỏe quốc dân (bắt buộc)

Bảo hiểm sức khỏe quốc dân, tiếng Nhật gọi là 国民健康保険 kokumin kenkou hoken [quốc dân kiện khang bảo hiểm] không phải là tùy chọn mà là nghĩa vụ bắt buộc tham gia (nếu bạn ở Nhật 90 ngày trở lên). Gọi tắt là 国保 Kokuho [quốc bảo]. Khi bạn lưu học tại Nhật, bắt buộc phải gia nhập Kokuho nhé.

Khám chữa bệnh không có bảo hiểm Kokuho: Bạn trả 100%

Khám chữa bệnh với thẻ bảo hiểm Kokuho: Bảo hiểm trả 70%, bạn trả 30%

Về cách tính tiền bảo hiểm Kokuho hàng tháng, xin hãy tham khảo Một ngày của lưu học sinh tại trường Asuka.

Tham khảo tiếng Nhật: Khi bạn tới đăng ký địa chỉ lần đầu tại trung tâm hành chính (Shiyakusho/Kuyakusho) thường sẽ được hướng dẫn gia nhập bảo hiểm Kokuho luôn nhưng nếu bạn cần hỏi nơi gia nhập ở đâu thì có thể dùng câu này:

国民健康保険の加入はどこですか? Kokumin kenkou hoken no kanyuu wa doko desuka?

Việc gia nhập bảo hiểm sức khỏe quốc dân là ở đâu ạ?

Hoặc là:

国民健康保険の加入手続きをしたいのですが、どこですか?

Kokumin kenkou hoken no kanyuu tetsuzuki wo shitai no desuga, doko desuka?

Tôi muốn làm thủ tục gia nhập bảo hiểm sức khỏe quốc dân thì ở đâu ạ?

Chú ý: Khi kết thúc du học và về nước hẳn, bạn phải làm thủ tục thoát và thanh toán tiền bảo hiểm quốc dân. Thủ tục thoát gọi là 脱退手続き (datta tetsuzuki). Xin hãy xem bài Trước khi về nước.

Bạn thường nhận được ngay thẻ bảo hiểm sức khỏe quốc dân và thẻ này không có dán ảnh. Thẻ bảo hiểm (保険証 hokenshou [bảo hiểm chứng]) trông thế này:

Thẻ bảo hiểm Kokuho (Komae City, Tokyo)

Bạn có thể đăng ký thẻ bảo hiểm để lấy thẻ tạm và sử dụng ngay. Nếu bạn không có, hay thẻ hết hạn, mà cần đi chữa bệnh ngay thì có thể ghé shiyakusho/kuyakusho để lấy thẻ tạm.

Đăng ký giấy phép hoạt động ngoài tư cách để đi làm thêm

Tiếng Nhật: 資格外活動許可書 Shikakugai katsudou kyokasho [tư cách ngoại hoạt động hứa khả thư]

Nếu bạn quên nộp giấy xin hoạt động ngoài tư cách khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay thì bạn phải xin giấy này nếu muốn đi làm thêm ở Nhật.

Chú ý: Bạn không xin giấy này tại Shiyakusho / Kuyakusho như đăng ký địa chỉ mà phải tới Cục xuất nhập cảnh địa phương của Nhật Bản (gọi là 入国管理局 Nyuukoku kanrikyoku [nhập quốc quản lý cục] hay gọi tắt là 入管 nyuukan) để xin. Ví dụ ở Tokyo thì thường tới Cục Nyukan ở Shinagawa. Vì khá phiền phức nên hãy chắc chắn nộp giấy xin phép làm thêm tại sân bay nhé.

Làm con dấu cá nhân (để mở sổ ngân hàng)

Bạn cần có con dấu cá nhân mới mở được sổ ngân hàng ở Nhật. Trường Nhật ngữ thường dẫn các bạn lưu học sinh mới đi làm con dấu, giá tiền là khoảng 1600 yen ~ 3000 yen. Bạn cũng có thể mua con dấu 100 yen (không phải tên bạn) hoặc khắc dấu trước tại Việt Nam. Con dấu cá nhân thường gọi là hanko (lịch sự: ohanko) hoặc inkan.

Mở tài khoản ngân hàng

Bạn cần mở tài khoản ngân hàng để giữ tiền an toàn đồng thời nhận lương khi đi làm thêm (arubaito) tại Nhật.

Các ngân hàng lớn có thể không cho lưu học sinh mới qua Nhật làm thẻ ngân hàng.

Làm tại ngân hàng bưu điện (Japan Post) thường dễ hơn nhưng một số trường hợp ghi là 非居住 Hikyojuu [phi cư trú] có thể không thể nhận tiền lương làm thêm được.

Làm tài khoản ngân hàng địa phương thường dễ dàng hơn.

Để mở tài khoản, bạn cần mang thẻ lưu trú (giấy tờ tùy thân) và con dấu cá nhân tới ngân hàng. Bạn sẽ nhận được sổ ngân hàng còn thẻ ngân hàng được gửi sau đó (thường 1 tuần) về địa chỉ của bạn.

Chú ý: Bạn có thể nạp tiền (tiền giấy và tiền xu) tại ATM tại Nhật. Tiền giấy và tiền xu chỉ cần bỏ vào hộc mở ra là máy sẽ tự đếm và xác nhận.

Thẻ ngân hàng りそな銀行 màu xanh lá

Sổ ngân hàng (銀行通帳) tại Nhật. Bạn có thể đưa vào ATM để in giao dịch vào sổ.

Đăng ký điện thoại di động

Để đi làm thêm, bạn thường cần phải có điện thoại di động. Có 3 hãng lớn là Docomo, AU và Softbank. Bạn thường phải ký hợp đồng thuê bao 2 năm (24 tháng). Có một số cửa hàng sẽ dụ bạn mua điện thoại đắt tiền (ví dụ iPhone đời mới) nên các bạn cần tìm cửa hàng uy tín và nên nhờ người hiểu biết tư vấn cho. (Tại Saroma Group có hướng dẫn cách đăng ký điện thoại.) Một số cửa hàng sẽ cho bạn trả dần tiền máy hàng tháng (trong 24 tháng) nhưng cũng có nơi sẽ bắt trả hết luôn tiền máy vì có nhiều lưu học sinh lấy điện thoại xong rồi bùng.

Hãy tham khảo Cấu trúc cước thuê bao điện thoại hàng tháng tại Nhật. Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng ký điện thoại trả trước (prepaid).

>>Du học sinh nên dùng gói cước nào ở Nhật

>>Hướng dẫn mua sim điện thoại giá rẻ ở Nhật không cần thẻ tín dụng

Đăng ký dịch vụ điện, nước, ga

Thường thì ký túc xá hay chủ nhà đăng ký cho bạn nên không cần lo lắng. Nếu cần tự đăng ký hay thay đổi thuê bao (ví dụ điện) thì bạn có thể nhờ chủ nhà hoặc tự mình gọi lên công ty điện lực, công ty nước, công ty ga để thực hiện.

(C) Yurika