"Rừng Na Uy" và con đường an toàn

25-03-2014

Bạn học bài học gì từ "Rừng Na Uy"? Tiểu thuyết này do nhà văn Nhật Bản Murakami viết ra, và rõ ràng là ông ấy cũng nhầm "Gỗ Na Uy" thành "Rừng Na Uy" (bài hát của The Beatles "Norwegian Wood" có nghĩa là "Gỗ Na Uy").

Nhưng ông ấy không 100% Nhật Bản, mà ông ấy chỉ viết về vấn đề của nước Nhật. Vì ông ấy đam mê văn hóa phương Tây, đúng không nhỉ? Ông ấy sống tại khá nhiều nước phương Tây, chứ không là người "thuần Nhật Bản". Nếu bạn sống ở Nhật và để ý, thì những người hoành tráng thường là những người đi du học hay đã từng sống ở Âu Mỹ và nói tiếng Anh tốt.

"Rừng Na Uy" là một tiểu thuyết rất thật và mặc dù, nhiều người nói nó rất Nhật Bản nhưng tôi nghĩ nó rất phổ quát. Bi kịch kiểu Rừng Na Uy tôi thấy rất nhiều tại chính Việt Nam. Chẳng qua, chúng ta không văn học hóa nổi nó mà thôi. Còn ông Murakami nhìn thấy rất rõ các vấn đề của người Nhật do ông ấy bước ra thế giới bên ngoài và tiếp thu các nền văn hóa bên ngoài.

Rừng Na Uy chỉ mang tính Nhật Bản ở chỗ, các nhân vật chọn cái chết để giải thoát. Còn các dân tộc khác, dù sống bi kịch họ vẫn cố sống bằng mọi giá. Vì tính cách Nhật Bản vốn không sợ cái chết, mà sợ sống bế tắc và gây phiền nhiễu người khác. Và vì chúng ta cứ nhìn nhận vấn đề của người Nhật theo cặp mắt nông cạn của chúng ta, nên chúng ta nghĩ nó bi kịch. Thực tế, bạn có chắc người Việt ít bi kịch hơn?  Tôi thì được chứng kiến vô số bi kịch khủng khiếp của người Việt, đều thuộc diện không giải quyết nổi. Người Nhật họ dũng cảm hơn chúng ta rất nhiều.

Chúng ta không cần cảm tính trước cái chết. Chết vào năm 20 tuổi, và chết vào năm 60 tuổi hay 70 tuổi cũng là chết mà thôi. Vấn đề là cuộc sống. Vì sao các nhân vật bế tắc hoàn toàn? Chúng ta học được bài học gì?

Vì sao Kizuki chết, Naoko tâm thần và sau đó tự sát? Vì sao Ishida tâm thần, Hatsumi tìm tới cái chết? Vì sao Nagasawa thông minh nhưng sống sa đọa?

Vấn đề là, đó không phải vấn đề của Nhật Bản. Đó là vấn đề quanh ta. Chúng ta nhận thức được nó thì chúng ta sống an toàn. Về cơ bản, nhiều người đọc truyện xong không hiểu gì. Họ chẳng rút ra bài học gì và nghĩ vấn đề là của người Nhật. Tôi nghĩ khả năng quan sát và suy luận của họ khá kém.

Kizuki và Naoko đều có tuổi thơ không ổn, vì không được chỉ dạy đúng, và cũng không thiếu thốn, không đấu tranh để có cái mình muốn. Cuộc sống quá đầy đủ và an toàn, đẩy con người ta vào việc luôn chọn cách an toàn. Hoàn toàn thiếu tinh thần mạo hiểm và khám phá thế giới. Vì thế mà bế tắc. Và không thể giải quyết nổi vấn đề về tinh thần.

Tức là, nếu bạn sinh ra thiếu thốn và đấu tranh sinh tồn, thì về cơ bản lại không có vấn đề gì. Nguy hiểm nhất là bạn không cần làm gì mà vẫn sống, vẫn an toàn, rất trái bản chất cuộc sống. Tức là, bạn đầy đủ, bạn được chọn trường tốt nhất, bạn được sắp xếp công việc ngon. Bạn chẳng cần nỗ lực. Thậm chí, bạn gái, bạn trai cũng được chọn giúp luôn.

Con người bạn thiếu tinh thần phiêu lưu, mạo hiểm và khám phá thế giới. Bạn chỉ đơn thuần chọn con đường an toàn (playing safe) và không hòa nhập được với cuộc sống thực. Bạn mất đi bản năng sinh tồn! Nghĩa là bạn sẽ từ từ mất ý nghĩa sống. Chúng ta phải nhìn nhận việc này một chút. Thế tại sao người Việt lại ít gặp vấn đề này? Vì chúng ta không giàu. Chúng ta gặp vấn đề khác.

Chúng ta nhìn toàn thể xem, bao nhiêu bi kịch khủng khiếp ở các gia đình người Việt? Bệnh tật hiểm nghèo mà vô phương chữa trị. Chỉ cần mở báo ra đọc, là thấy rất nhiều hoàn cảnh bi thương. Do cái nghèo gây ra. Những bệnh đơn giản, ở Việt Nam ngay lập tức thành hiểm nghèo, vì không có thuốc. Chúng ta có nhiều vấn đề, chỉ có điều là khác người Nhật.

Nhưng không có nghĩa là chúng ta không gặp vấn đề như Rừng Na Uy. Vì đang xuất hiện tầng lớp siêu giàu, và họ nuôi dạy con theo đúng kiểu Rừng Na Uy. Tất cả đều chọn con đường an toàn. Và không nhiều người dám phiêu lưu, mạo hiểm nữa.

Khi chúng ta không phiêu lưu, chúng ta nhanh chóng bị cầm tù tư tưởng. Như nhân vật Ishida, vốn có năng khiếu nhạc, đã không còn chơi nhạc vì đam mê mà sống vì kỳ vọng của người lớn. Khi sống theo chỉ đạo và mong muốn của người khác, người ta lập tức đánh mất mình. Rõ ràng chẳng tốt gì cho hệ thần kinh. Chúng ta phải sống vì thứ chúng ta muốn, thứ chúng ta yêu thích. Như thế mới là lành mạnh. Muốn sống tốt, chúng phải đấu tranh vì thứ chúng ta muốn, và đấu tranh để sống tự do hơn.

Thế thì, chúng ta có thể làm gì? Hay sẽ chết chìm trong các vấn đề nhỏ bé? Tất cả mọi người đều có những sợi dây buộc chặt họ lại, không cho họ thoát ra. Như nhân vật Midori vốn khá hoạt bát, trong sáng, nhưng không thể dứt ra sợi dây gia đình. Cứ phải đợi tới khi "ông già" chết, mới có thể thoát ra được. Nhưng nhỡ ông ấy không chết thì sao? Đó là những sợi dây buộc con người ta lại, không cho người ta sống.

Tôi nghĩ, muốn sống tốt phải bỏ lại vấn đề của người khác sau lưng. Chúng ta phải bước chân ra đi, nhìn thế giới bên ngoài. Tất cả vấn đề "to tát" thực ra là loại nhảm nhí, không đáng giải quyết! Nhưng không dễ nếu bạn cứ ở trong đám bùng nhùng ấy. Thậm chí, bạn muốn bước một bước ra ngoài, cũng có rất nhiều thứ níu bạn lại, bắt bạn ở trong đó. Sống tốt không dễ, bạn phải đấu tranh. Nếu không, cuộc đời bạn bạn còn chẳng quyết định được, đừng nói tới sống tự do.

Bạn có dám phiêu lưu không? Bạn có thể di chuyển không?

Mấu chốt ở chỗ này. Bạn chỉ chọn con đường an toàn, từ nhỏ tới giờ. Bạn không thể di chuyển, đừng nói tới phiêu lưu. Và bạn thậm chí không biết vấn đề của bạn là gì.

Các nhân vật trong Rừng Na Uy gặp đúng vấn đề như thế. Và họ mãi mãi không biết vấn đề là gì. Vì thế mà họ bế tắc và tìm tới cái chết. Không phải học giỏi, con ngoan, có tài năng là ngon. Ngược lại, lại là dạng nguy hiểm nhất. Vì nếu không ai kỳ vọng vào bạn, hay coi bạn là bỏ đi, thì thực tế bạn sống tự do hơn và ít gặp vấn đề hơn. Ví dụ cô Hatsumi, vốn có nhan sắc, chẳng việc gì phải chết. Chẳng qua cô này chọn nhầm anh chàng Nagasawa và không dám mạo hiểm để chọn lại, sống một cuộc sống khác.

Họ đã không dám thay đổi, đúng không? Họ chỉ chờ người khác làm mình hạnh phúc, thay vì hành động và tự làm mình hạnh phúc.

Tôi nghĩ, "con đường an toàn" thật ra chẳng an toàn gì. Chúng ta vẫn phải phiêu lưu, nếu muốn sống tốt và sống tự do. Cuối cùng, chỉ có tinh thần phiêu lưu mới giúp chúng ta sống tốt. Và chúng ta phải nhận ra là: Vấn đề của người khác chính là vấn đề của chúng ta. Chúng ta phải sống khác những người gặp vấn đề. Nếu chúng ta chỉ sống và hi vọng bi kịch không xảy đến, thì chúng ta cũng sẽ sống giống như người gặp vấn đề và gặp vấn đề giống họ. Sống dựa vào may mắn cũng rất dở hơi, đúng không?

Takahashi