CHÚ Ý VÀ CẢNH BÁO

CẢNH BÁO VỀ CÔNG TY DU HỌC LẠM THU TIỀN HỌC SINH ĐĂNG KÝ DU HỌC NHẬT BẢN

Hiện nay có một số công ty du học thu rất nhiều tiền của học sinh đăng ký du học Nhật Bản (có thể từ 100 ~ 150 triệu), quảng cáo mức thu nhập ảo 40 - 60 triệu đồng/tháng khi du học Nhật, bỏ mặc học sinh khi sang Nhật (thực ra là do học sinh tiếng Nhật kém, không thích ứng được và không đi làm kiếm tiền được, lại vay tiền du học nên phải trả nợ, ...) mà đài báo, truyền hình đã đưa tin.

Để tránh bị lạm thu, mất tiền và dụ dỗ du học Nhật Bản xin hãy xem Các chú ý và cảnh báo để tránh mất tiền làm hồ sơ du học Nhật Bản.

CHÚ Ý VỀ HÌNH XĂM KHI DU HỌC NHẬT BẢN

Bạn cần hết sức chú ý về hình xăm (gọi là 入れ墨 IREZUMI hay 刺青 SHISEI) khi du học Nhật Bản. Về cơ bản, xã hội Nhật vốn đặc thù và rất bảo thủ về hình xăm. Hình xăm, dù đẹp hay xấu, thường được người Nhật tự ý liên kết với hình ảnh của xã hội đen (yakuza) hay là băng nhóm bạo lực (暴力団 bouryokudan). Thậm chí, có thể họ nghĩ bạn là dân chơi. Do đó, khi đi xin việc làm thêm, xin học lên cao, đi thuê nhà, ... bạn có thể sẽ bị bất lợi. Để tránh bất lợi này, bạn không nên để hình xăm ở những nơi dễ lộ. Nếu đã trót xăm và có thể xóa thì nên xóa. Nếu không thể xóa (ví dụ kỷ niệm) thì sao?

Các ngôi sao thường xăm hình xăm 入れ墨 irezumi (hay 刺青 shisei)

Bạn cần che giấu hình xăm một cách khéo léo. Có công cụ làm việc này và bạn có thể mua tại Amazon Japan, giá tầm 1,300 yen. Đây là dụng cụ giúp tránh tia tử ngoại, giữ ấm mùa đông, đồng thời che hình xăm.

⇒ Xem thêm Vì sao người Nhật kỳ thị hình xăm tại Yurica blog

Cách che giấu hình xăm (Yurica blog)

CHÚ Ý VỀ CÔNG VIỆC TRONG NHÀ MÁY CHẾ BIẾN THỰC PHẨM

Khi làm công việc làm thêm trong nhà máy thực phẩm, ví dụ nhà máy cơm hộp (bentou) và cơm nắm (onigiri), khu chế biến thực phẩm của siêu thị, v.v... về nguyên tắc KHÔNG ĐƯỢC ĐEO PHỤ KIỆN THỜI TRANG. Bạn phải tháo hết nhẫn, khuyên tai, đồng hồ, tất cả mọi thứ có thể rơi vào đồ ăn. Hãy tưởng tượng là nhẫn, hay các hạt trên nhẫn mà rơi vào trong hộp cơm, thực phẩm của khách hàng thì công ty sẽ gặp rắc rối thế nào (sẽ phải bồi thường, xin lỗi).

Thế có nghĩa là, nếu bạn dùng công cụ che giấu hình xăm thì có thể cũng sẽ phải tháo ra. Tất nhiên là thường lúc chế biến thực phẩm thì bạn sẽ đeo găng tay nên cũng có thể là đeo tấm che tay thì vẫn được. Tuy nhiên, có lẽ là tùy nơi bạn làm. Hãy nhớ kỹ nguyên tắc KHÔNG DỊ VẬT TRONG THỰC PHẨM và ĐẢM BẢO VỆ SINH TUYỆT ĐỐI.

Ngoài ra, làm trong nhà hàng, quán ăn, nhà máy thực phẩm, v.v... thì bạn nam còn phải cạo râu sạch sẽ (không được để râu), bạn nữ phải buộc tóc gọn gàng (không được để lòa xòa) và phải đội nón vải chuyên dụng, mặc bộ đồ chuyên dụng để đảm bảo vệ sinh.

Nhà máy cơm hộp Nhật Bản

QUY TẮC ỨNG XỬ TẠI NHẬT BẢN

Nhật Bản là nước rất khắt khe về quy tắc ứng xử (manners), nhiều luật lệ (rules), bạn cần tuân thủ (hay ít ra, giả vờ như vậy ^^) và tránh tuyệt đối làm phiền người xung quanh ví dụ bật ti vi to tiếng, nói chuyện ồn ào đêm khuya.

Xin hãy xem: Quy tắc ứng xử ở Nhật Bản để ứng xử phù hợp và được người xung quanh quý mến (hay ít ra, không bị ghét).

CHÚ Ý VỀ ĐỘNG ĐẤT TẠI NHẬT

Nhật Bản có nhiều động đất và có thể xảy ra động đất lớn gây thiệt hại tài sản, sinh mạng. Hãy xem kỹ Cẩm nang ứng phó động đất.

CHÚ Ý VỀ PHÂN LOẠI RÁC VÀ VỨT RÁC

Nhật Bản có quy định bắt buộc người dân phải tự phân loại rác và vứt rác đúng quy định. Nếu bạn định học tập, sinh sống tại Nhật, hãy đọc Cách phân loại và vứt rác ở Nhật.

COI CHỪNG MẤT CƯỚC ĐIỆN THOẠI Ở NHẬT

Các nhà mạng Nhật Bản rất giỏi móc túi khách hàng một cách hợp pháp (bằng các dòng chữ li ti trên hợp đồng). Nếu bạn không có gói cước 3G không giới hạn dung lượng (với mức phí 5000 ~ 7000 yen/tháng) mà vào 3G, bạn có thể tốn tới mấy ngàn USD. Do đó, tuyệt đối tránh vào Internet khi không thuê bao gói cước Internet không giới hạn dung lượng.

Ngoài ra, nhiều bạn đăng ký gói cước (ví dụ qua tài khoản trên mạng hay tại cửa hàng) và hí hửng vào Internet ngay cũng có thể mất rất nhiều tiền. Lý do: Có thể gói cước từ tháng sau mới bắt đầu có hiệu lực. Ngay cả bạn không vào Internet thì ứng dụng như dự báo thời tiết, ứng dụng tin tức, ... có thể tự động kết nối mà bạn không biết, cho tới khi nhận được hóa đơn ... gây sốc từ nhà mạng.

Cước điện thoại (cước Internet điện thoại) là thứ dễ làm bạn mất tiền nhất và mỗi lần mất là có thể lên tới cả mấy ngàn USD.

>>Tham khảo: Cấu trúc tiền cước điện thoại hàng tháng tại Nhật

LÀM SỔ NGÂN HÀNG KHI MỚI SANG NHẬT

Nhiều ngân hàng hớn từ chối làm sổ cho du học sinh mới sang Nhật nếu chưa ở Nhật được 6 tháng. Do đó, các bạn cần phải đợi đủ 6 tháng. Tuy nhiên, có ngân hàng cho bạn làm sổ ngân hàng ngay, đó là ngân hàng Bưu điện Nhật Bản, tức là ngân hàng ゆうちょ銀行 Yuucho Ginkou (gọi tắt là Yucho). Trước mắt thì bạn có thể đi làm với sổ Yucho và chú ý đừng làm quá số giờ quy định (tối đa 28 tiếng/tuần).

MUA ĐIỆN THOẠI KHI MỚI SANG NHẬT

Nhiều cửa hàng họ không bán điện thoại cho học sinh mới sang Nhật. Vì họ muốn bán cho bạn điện thoại mắc tiền như iPhone. Họ không muốn bán điện thoại giá rẻ (ví dụ thực phí 0 yên) cho du học sinh. Tuy nhiên, bạn có thể mua điện thoại smartphone ví dụ Samsung model cũ một chút, giá tầm 200 - 300 USD. Du học sinh thường phải trả ngay tiền máy chứ không được góp. Bạn cần điện thoại để xin việc đi làm thêm nên thường bị ép. Thậm chí, công ty điện thoại tới tận trường ép bạn mua iPhone đời mới nhất. Bạn không cần cả nể trường Nhật ngữ (vì thật ra các trường không quan tâm lắm đến chuyện mua điện thoại của học sinh) và cứ từ chối thôi. Hãy mua điện thoại với tính năng và giá tiền mà bạn thấy hợp lý. Các bạn làm hồ sơ tại Saromalang sẽ được dặn dò chi tiết hơn nên nhớ hỏi kỹ trước khi sang Nhật.

TUYỆT ĐỐI KHÔNG VƯỢT ĐÈN ĐỎ

Đã có nhiều bạn vượt đèn đỏ và bị xe hơi tông gãy chân. Những bạn này không hề được bồi thường và tốn vài ngàn USD viện phí. Nếu bạn không tôn trọng đèn giao thông mà làm hỏng xe thì coi chừng còn phải bồi thường. Pháp luật tại Nhật rất nghiêm minh.

TUYỆT ĐỐI KHÔNG CHO MƯỢN TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG, GIẤY TỜ TÙY THÂN

Vì có thể người mượn sẽ dùng vào việc phạm pháp, lừa đảo, v.v... và bạn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật thay. Ở Nhật các tổ chức băng nhóm tội phạm thường mua lại tài khoản ngân hàng (sổ và thẻ ngân hàng) của người nước ngoài để thực hiện các vụ lừa đảo. Đặc biệt các bạn thực tập sinh (tu nghiệp sinh) thường bị nhắm tới. Trong số những người hành nghề lừa đảo có cả người (gốc) Việt sống ở Nhật.

ĐỪNG BAO GIỜ ĐI XA BẰNG TAXI Ở NHẬT

Trừ khi bạn rất giàu. Vì cước taxi ở Nhật rất mắc. Ở thành phố Tokyo là 320 yen/km (3.2 USD/km), ở thành phố Osaka là 270 yen/km.

Nếu đi từ sân bay Narita vào trung tâm Tokyo thì mất khoảng 100 km (đường chim bay 80 km) nên tốn 3.2 x 100 = 320 USD.

Nếu đi từ sân bay quốc tế Kansai vào trung tâm Osaka thì mất khoảng 50 km, tốn khoảng 2.7 x 50 = 135 USD.

Thay vì đi taxi, hãy đi xe bus hoặc đi tàu. Ví dụ từ sân bay Kansai tới Namba (trung tâm Osaka) đi tàu hay bus chỉ tốn khoảng 1,000 yen (10 USD).

Nếu đi tàu từ sân bay Narita vào trung tâm Tokyo thì tốn khoảng 1,200 ~ 1,500 yen (12 ~ 15 USD).

Tài xế taxi ở Nhật khá trung thực và họ sẽ khuyên bạn đi tàu hay xe bus thay vì cố gắng lấy nhiều tiền từ bạn.

>>Chú ý khi đi taxi ở Nhật

ĐỪNG RÚT TIỀN TỪ THẺ TÍN DỤNG VIỆT NAM Ở NHẬT

Nếu bạn không muốn mất 5% ~ 10% phí thẻ (gồm nhiều loại phí khác nhau kể cả phí đổi ngoại tệ). Thẻ tín dụng Việt Nam là thẻ tạo tại Việt Nam và gắn với tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Việc này thường là do đi đóng tiền cho trường Nhật ngữ tại ngân hàng và bị nhân viên ngân hàng dụ làm thẻ mà không rành về hoạt động và cách tính phí thẻ.

(C) Yurika Saromalang