Bàn luận "Rừng Na Uy"

"Rừng Na Uy" có vẻ khá nổi tiếng ở Việt Nam (và cả China nữa) nhưng không nhiều người hiểu tác phẩm lắm nhất là các nhà văn, dịch giả, nhà báo, v.v... Và vẫn còn đâu đó những tranh luận "Rừng Na Uy" là sex thuần túy hay nghệ thuật đích thực. Những người quen sống đạo đức giả, suy nghĩ hẹp hòi và thiếu thốn tình dục kinh niên thì sẽ chăm chăm vào khía cạnh sex mà chẳng hiểu tác phẩm miêu tả cái gì. Lại có người nói đây là tác phẩm lên án xã hội suy đồi (?!) làm thanh niên mất phương hướng hay đây là tác phẩm nói về tình yêu. Tất cả đều sai toét. "Lên án xã hội" từ lâu đã trở thành tính từ miêu tả cho tất cả các tác phẩm văn học nước ngoài vì nghe có vẻ rất hợp lý và không cần động não suy nghĩ mấy. Với những người như thế thì xã hội lúc nào cũng suy đồi và bế tắc cả.

Vậy truyện "Rừng Na Uy" nói về cái gì?

Đó là trầm cảm, tự sát, các vấn đề tâm lý (bệnh tâm thần), đi tìm ý nghĩa cuộc sống (hay nói chính xác hơn là: "Sự thất bại trong việc tìm thấy ý nghĩa cuộc sống"), sự giải thoát (cái chết của Naoko giúp Watanabe hiểu ra vấn đề và có động lực sống). Xuyên suốt truyện là miêu tả các sự việc, sự kể chuyện của các nhân vật và suy nghĩ của nhân vật "tôi". Truyện không đề cập đến tâm lý các nhân vật khác ngoài suy nghĩ của nhân vật "tôi", nên đây cũng không phải là tác phẩm văn học miêu tả xuất sắc tâm lý nhân vật.

Những thứ bạn không nên kỳ vọng

Những cảm nhận hồn nhiên và ngây thơ

Có rất nhiều người hồn nhiên kết luận đây là tác phẩm viết về tình dục, sự đối thoại cởi mở về sex, giúp giới trẻ nhìn nhận đúng về sex, sex xuyên suốt tác phẩm và nhân vật nào cũng liên quan tới sex. Trong những người đó có cả nhà văn hay dịch giả. Tôi nghĩ chỉ đơn thuần họ sống thiếu thốn tình dục quá lâu hay là quen đạo đức giả quá thôi, chứ nói như họ thì ai chẳng liên quan tới sex nhỉ? Ngay cả sự ra đời của họ. Dù sao, nó chỉ là một trong vô vàn các nhu cầu có thực trong cuộc sống. Chẳng lẽ cứ nói về cảnh ăn uống thì hồn nhiên kết luận "Đây là tác phẩm về ẩm thực"?

Lại có những người cho rằng đây là tác phẩm viết về nước Nhật những năm 60, 70 khi xã hội suy đồi và thanh niên cảm thấy trống rỗng, mất phương hướng. Sai toét! Truyện chỉ miêu tả bối cảnh xã hội chỉ đơn thuần là những thứ đã diễn ra và miêu tả trung thực thôi, và các nhân vật tự sát như Naoko hay Kizuki không trực tiếp liên quan gì tới và tác giả cũng không hề lên án xã hội. Bản thân nhân vật "tôi" đứng ngoài cuộc.

Kết cấu và cách hành văn

Truyện viết theo dạng hồi ức khi nhân vật "tôi" nhớ lại thời trai trẻ đau đớn, bi tráng của mình và của bạn bè mình, nhớ về những biến cố đã thay đổi cuộc đời mình mãi mãi và những ký ức khó có thể phai nhạt. Khởi đầu truyện là lúc nhân vật "tôi" ngồi trên máy bay tới Đức, nghe bản nhạc quen thuộc "Norwegian Wood" của Beatles và đây cũng là tên được đặt cho truyện thành ノルウェイの森 ("Rừng Na Uy"), tuy nhiên đây là cách dịch sai vì bài hát vốn có nghĩa là "Gỗ Na Uy" chỉ căn phòng được lát bằng gỗ nhập từ Na Uy. Xuyên suốt truyện là cách hành văn miêu tả các sự kiện và các cuộc đối thoại. Nói chung là sẽ gây nhàm chán và buồn ngủ vì cứ dông dài mãi mà không vào thẳng vấn đề. Nhưng cuộc sống thực là vậy, chẳng có vấn đề nào để có thể vào thẳng!

Tại sao nhiều người đọc nó?

Nhìn chung, đây là tác phẩm u ám, nhưng nó miêu tả rất chân thật về sự u ám (trong tâm lý con người, chứ không phải là của cuộc đời nhé) nên dễ dàng lôi kéo được độc giả - những người cũng thường xuyên cảm thấy trống rỗng và mất phương hướng. Một tác phẩm viết về sự trống rống, mất phương hướng, mất niềm tin bao giờ cũng thu hút độc giả, vì thường ai cũng cần sự đồng cảm. Truyện cũng có một cái kết mở và có thể là có hậu là nhân vật chính tìm được tình yêu của mình và rũ bỏ được vết thương lòng cũ. Đẩy độc giả vào một mớ bi kịch tận cùng rồi đưa họ đến đường hầm có ánh sáng le lói bao giờ cũng là cách câu khách tốt nhất. Đừng bao giờ kết thúc lãng xẹt ngang hông (tức là không có ánh sáng cuối đường hầm) nếu bạn muốn sách bạn viết lúc nào cũng chất đầy kệ và bán chạy như tôm.

Nhưng, để miêu tả được sự u ám của cuộc sống con người thì đòi hỏi bạn phải nhìn thấy nó, vượt qua nó. Đó là điều nhà văn Murakami làm được. Các nhà văn hạng ba thì không làm được điều đó, họ chỉ suy nghĩ hời hợt và nông cạn (một trạng thái dẫn đến sự đổ vỡ và mất phương hướng theo thời gian), không nhìn được sự đen tối trong tâm lý con người chứ đừng nói là vượt qua nó. Phần lớn nhà văn Việt Nam thuộc loại này.

Còn các nhà văn hạng hai thì miêu tả được sự bi kịch trong tâm lý con người (mình phải nhắc lại: Cuộc đời là tươi đẹp, sự u ám hay bi kịch chỉ có trong tâm lý con người mà thôi!) nhưng không hé lộ giải pháp thoát ra khỏi nó (tức là không có ánh sáng phía cuối đường hầm).

Murakami có thể xếp vào nhà văn hạng nhất, nhưng bạn nên nhớ là còn có các nhà văn ngoại hạng, đó là các bậc triết gia (trong đó có mình). Tức là: Chỉ viết về cuộc đời tươi đẹp (^o^).

Đây là tác phẩm viết về sự day dứt, bế tắc, bi tráng của tuổi trẻ khờ dại. Đó là lý do mà nhiều người trẻ thích tác phẩm này. Họ tìm được hình ảnh day dứt, bế tắc, khờ dại của mình trong đó. Tuy họ không biết chính xác nó là gì, nhưng họ cảm nhận được thông qua cuộc sống của mình. Truyện thu hút vì nó có một triết lý trong đó, mặc dù nhiều người không gọi được tên nó ra. Nhưng có một người gọi tên nó được, đó chính là ... Takahashi ^^

Những vụ tự sát, căn bệnh tâm thần, sự bế tắc, chán ghét cuộc sống

Chúng ta hãy vào vấn đề chính: Trầm cảm, tâm thần, tự sát.

Nhân vật đầu tiên: Kizuki, năm 17 tuổi. Hình thức tự sát: Chui vào xe hơi, nối ống xả khí xe hơi vào trong xe, dán kín lại. Chết ngạt.

Nhân vật "tôi" là Watanabe lúc đó không hiểu gì hết. Tự nhiên thấy anh chàng Kizuki thường ngày vẫn đi đánh bi a với mình chết một cách lãng xẹt mà không có bất kỳ lý do gì. Kizuki là bạn thân nhất của Watanabe và là bạn trai của Naoko - cũng là bạn của Watanabe.

Naoko cũng có một người chị gái, học rất giỏi và là niềm tự hào của cha mẹ, cũng đột nhiên tự sát vào năm 17 tuổi.

Sau đó Naoko phát triển chứng bệnh tâm thần, lúc nào cũng day dứt, ám ảnh về cái chết của Kizuki. Naoko được gia đình gửi đi một viện điều dưỡng trong rừng sâu, ở đó sống cùng các bệnh nhân tâm thần khác. Phần lớn thời lượng của truyện là việc Watanabe tìm mọi cách để cứu Naoko khỏi bệnh tâm thần. Nhưng cuối cùng Naoko vẫn tự sát. Hình thức: Tự treo cổ.

Ishida Reiko: Là người giám hộ của Naoko trong trại tâm thần, nhưng thực ra cũng bị tâm thần. Số là thời nhỏ có năng khiếu về đàn, rồi tự nhiên tới trước một buổi biểu diễn quan trọng thì ngón tay không cử động được, thế là bị tâm thần. Sau đó chạy chữa cũng khỏi, nhưng lại bị một bé gái học đàn dụ dỗ quan hệ đồng tính và bị con bé đơm đặt bịa chuyện nên bị tâm thần lại và hết chữa luôn.

Nagasawa: Con nhà giàu và là bạn của Watanabe trong ký túc xá, học trường danh tiếng nhất Nhật Bản và đầu óc thông minh. Ngủ với hết cô gái này tới cô gái khác như một thú vui thường ngày và thường ban phát cho cả Watanabe. Mặc dù vậy Nagasawa có bạn gái là Hatsumi và Hatsumi biết điều này và chấp nhận.

Hatsumi: Sau này bỏ Watanabe và đi lấy chồng rồi đi nước ngoài. Sau đó tự sát.

Midori: Cô gái cùng lớp và có cảm tình với Watanabe. Tính tình trong sáng, hoạt bát kể cả khi nói chuyện về tình dục. Tuy nhiên, sống trong một gia đình mà mọi người vô cảm, khắc nghiệt và có tuổi thơ dữ dội.

Đấy, truyện toàn nói về trầm cảm, tự sát mà mấy người đầu óc nông cạn cứ gán cho nó là sex, là thế nào??

Các nguyên nhân tự sát và tâm lý nhân vật

Kizuki và Naoko

Đây là hai nhân vật yếu ớt và lạc lõng trong cuộc sống. Truyện không miêu tả nhiều về Kizuki, nhưng có thể thấy đây là một con người được bao bọc quá đáng, ít được quan tâm và không hòa đồng, hoạt bát như những đứa trẻ khác. Đó là lý do mà Kizuki và Naoko chơi với nhau từ nhỏ và sau này thành người yêu của nhau: Hai người yếu ớt và mất liên lạc với xã hội nương tựa vào nhau. Kết quả là cả hai cùng tự sát! Tóm lại là họ bị mất bản năng sinh tồn vì cái gì cũng có sẵn, và không có ai để nương tựa về mặt tinh thần nên trở nên yếu ớt. Không có ai hướng dẫn họ trong cuộc sống. Họ không và không dám bước chân ra thế giới bên ngoài, không dám mạo hiểm. Họ chỉ sống bám vào Watanabe để liên lạc với thế giới xung quanh. Họ là những kẻ sống bám vào người khác. Naoko mặc dù sau này được Watanabe giúp đỡ hết mình nhưng vẫn không thể nào vượt qua được căn bệnh tâm thần của mình. Mặc dù Naoko muốn khỏi bệnh nhưng không tìm được đường thoát ra nữa.

Chị gái của Naoko

Là dạng con ngoan trò giỏi, luôn là niềm tự hào của cha mẹ. Người luôn sống vì ý muốn của cha mẹ nhiều hơn là ý thích của mình. Tự sát vì cảm thấy trống rỗng và khổ sở. Lý do thì đơn giản: Sống không theo đúng bản năng, tiếng nói bên trong của mình mà chỉ theo chỉ thị của người khác.

Ishida Reiko

Cũng là một người không biết sống cho bản thân mà chỉ sống theo sự ca ngợi của xung quanh: Một tài năng âm nhạc. Sợ bị mất danh hiệu đó tới nỗi căng thẳng thần kinh và liệt ngón tay, không tham dự được buổi biểu diễn quan trọng. Từ đó cảm thấy bản thân mình thật xấu xí, vô dụng và bị tâm thần. Về sau được chữa khỏi, làm cô giáo dạy đàn rồi bị bé gái học đàn dụ dỗ quan hệ đồng giới, khi muốn thoát ra thì bị bé gái này đơm đặt và bị tâm thần lại. Mặc dù có tình yêu của chồng và con gái nhưng Reiko vẫn không sao thoát khỏi căn bệnh tâm thần và cuối cùng là vào trại tâm thần ở trong rừng.

Nagasawa

Bạn thân của Watanabe ở ký túc xá, nhà giàu, đẹp trai, thông minh và chỉ coi phụ nữ là món đồ chơi. Trong truyện, Nagasawa là người có trí thông minh cao, tương lai xán lạn, hướng đến làm chính trị gia và được đồn là ngủ với hàng tá cô gái ngày này qua ngày khác. Nagasawa luôn khinh miệt những kẻ xung quanh vì bọn chúng quá đầu đất và lúc nào cũng hô hào những khẩu hiệu rỗng tuếch hay tham gia các phong trào để cảm thấy mình quan trọng.

Hatsumi

Bạn gái của Nagasawa, sau này không chịu nổi tính lang chạ của Nagasawa nên bỏ đi lấy chồng và định cư nước ngoài. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn tự sát. Có lẽ vì cuộc sống hôn nhân quá tù túng và cô không thích ứng được.

Watanabe

Là người chứng kiến những cái chết của những người xung quanh. Sống nội tâm, ít bạn và chỉ có một người bạn thân là Kizuki. Khi Naoko bị tâm thần, Watanabe cố gắng giúp Naoko thoát ra như một cách để níu giữ mối liên hệ với Kizuki cũng như tình thương với Naoko. Watanabe là một người sống nội tâm, giàu tình cảm và hay cảm thương nên luôn cảm thấy mình có trách nhiệm phải cứu giúp Naoko khỏi căn bệnh thần kinh. Tuy nhiên, anh đã thất bại. Sau cái chết của Naoko, Watanabe đau khổ cùng cực và bỏ đi bụi khắp nước Nhật, nhiều khi không xu dính túi.

Midori

Là bạn học của Watanabe, tính trong sáng nhưng luôn phải chịu một gia đình bi đát, lụn bại, nhất là ông bố khắc nghiệt. Ngoài ra còn gặp rắc rối trong chuyện tình cảm với bạn trai. Midori có cảm tình với Watanabe nhưng không được đáp lại, vì Watanabe lúc đó lại thích Naoko. Tuy nhiên, cuối truyện Watanabe biết ai là quan trọng với mình và gọi điện cho Midori.

Triết lý - Bàn luận

Cái chết không phải là thứ gì xa lạ hay là sự kết thúc

Nếu có ai hỏi rằng "Bạn có sợ chết không?" nhiều khả năng bạn (và phần lớn mọi người) sẽ nói là "Có". Đó là điều hoàn toàn chính đáng, nhưng có những cái chết làm chúng ta sợ không kém: Cái chết của những người thương yêu. Chúng ta không muốn chứng kiến họ chết, vì điều đó sẽ làm chúng ta bị tổn thương. Chúng ta làm mọi cách để ngăn những cái chết đó lại. Watanabe muốn ngăn cái chết của Naoko lại (vì nhiều lý do: Tình cảm, tình thương, mối liên hệ với Kizuki, v.v... => Không phải đơn thuần là tình yêu nhé) nhưng anh ta bất lực. Bệnh tâm thần của Naoko là cái chết được báo trước, và anh có đủ thời gian nhưng không thể nào ngăn được. Nó như là số mệnh được sắp đặt vậy. Và đó là cái chết thứ hai mà Watanabe được chứng kiến (cái chết đầu tiên là của Kizuki). Chúng ta nên hiểu điều đó có nghĩa là một sự day dứt khủng khiếp, một câu hỏi to đùng về cuộc sống. Rốt cuộc, cuộc sống có ý nghĩa là gì? Mọi người sống chỉ để đi tới cái chết? Cuộc sống này chỉ là một định mệnh sắp đặt và chúng ta phải tuân theo? Đó là những câu hỏi đòi hỏi được trả lời mà con người không thể trốn tránh vì cái chết đã ở rất gần họ: Những người xung quanh đang chết, và khi nào đến lượt mình?

Điều gì làm họ chết? Bạn phải trả lời được câu hỏi đó thì mới có thể an toàn được. Có chính là lý do mà tác phẩm được nhiều người đọc, vì họ muốn tìm được câu trả lời. Điểm nhấn ở đây chính là "sự day dứt của tuổi trẻ" (青春時代の葛藤 seishun jidai no kattou). Bạn vượt qua nó, hay bị nó đánh gục? Đó là ngã ba quyết định bạn sống hay chết, không chỉ khi còn trẻ mà là cả cuộc đời.

Cái chết không phải là thứ gì xa lạ. Đó là điều mà tôi cảm nhận được. Người ta chết hàng ngày, toàn những cái chết đau đớn: Nhảy tàu tự sát (nhảy xuống đường rau khi tàu lao đến). Tôi đi tàu ở Nhật và thỉnh thoảng lại có một vụ như vậy, giống như là chuyện hàng ngày. Thậm chí, những người mà chúng ta biết cũng đột nhiên tự kết thúc cuộc sống. Sống hay chết chỉ là quyết định của cá nhân mỗi người. Tự sát không hẳn là hèn nhát, chẳng qua là một lựa chọn: Lựa chọn cái chết thay vì tiếp tục đấu tranh để tìm con đường đi của mình. Tự sát chỉ là hệ quả của sự trầm cảm (mất phương hướng trong cuộc sống) nhưng không phải ai trầm cảm cũng tự sát. Có người vượt qua nó, có người quyết định kết thúc nó. Không có cái gọi là sự hèn nhát hay đạo đức giả ở đây. Những người đạo đức giả kiểu hô hào "Phải cống hiến, phải sống có lý tưởng" thường là những người yếu ớt về mặt tinh thần nhất. So với những kẻ đó thì những người đã tự sát dũng cảm hơn nhiều: Họ dám hành động.

Nhưng cái chết không phải sự kết thúc. Cái chết của Naoko giúp Watanabe nhận ra nhiều vấn đề và thực chất là động lực to lớn để Watanabe sống tiếp (thậm chí có thể sống hoành tráng!): Một người không thể tự đứng dậy thì bạn có giúp họ thế nào họ cũng vẫn gục ngã. Bạn giúp họ chỉ tốn tình cảm, thời gian, công sức và cuộc đời của mình mà thôi. Tình yêu đặt sai đối tượng là một tình yêu vô ích. Nói một cách triết lý hơn: Hãy để họ tự đứng trên đôi chân của mình và đừng bao giờ để họ đè gánh nặng lên đôi vai của bạn. Nếu bạn để bất kỳ ai đặt gánh nặng lên bạn, cuộc sống của bạn cũng sẽ chìm xuống bùn theo họ.

Gánh nặng của Naoko đã làm Watanabe bỏ lỡ tuổi trẻ và cơ hội đến với mình (Midori), đẩy anh ta vào trạng thái tinh thần tồi tệ, tới mức anh ta bỏ đi bụi như sự trừng phạt thân xác của mình. Cuối cùng, anh ta nhận ra Midori mới là sự lựa chọn đúng. Đó chính là sự thay đổi lớn lao mà cái chết của Naoko mang lại: Cái mà chúng ta cần là một người không đặt gánh nặng của họ lên vai chúng ta. Tức là, người đó phải sống mạnh mẽ.

Midori là một cô gái mạnh mẽ và tự mình giải quyết các vấn đề của mình, mặc dù trải qua tuổi thơ dữ dội trong một gia đình chỉ toàn mắng chửi, thóa mạ và hoàn toàn không hạnh phúc. Tức là, đây là một người đối lập hoàn toàn với Naoko. Trong khi Naoko chỉ biết chấp nhận và không có động lực vươn lên, sống yếu ớt, dựa dẫm thì Midori lại không như vậy. Đó cũng là lý do mà con người ta khác nhau. Hoặc họ để cho cuộc sống xô đẩy và cuối cùng là chìm xuống bùn, hay khắc phục nó để có cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn.

Nói về bi kịch gia đình thì vô vàn. Sự đạo đức giả, coi thường nhau, suy nghĩ lệch lạc về xã hội và tiền bạc, mắng chửi con cái thì tôi thấy có rất nhiều. Và điều đó ảnh hưởng to lớn đến sức sinh tồn của con cái. Bạn bị vòng xoáy gia đình nhấn chìm, hay thoát khỏi nó?

Truyện "Rừng Na Uy" nói về hiện thực xã hội trong mọi thời đại, chứ không phải chỉ ở Nhật Bản và trong những năm 60 ở Nhật Bản. Ngày nay, tỷ lệ tự sát không những giảm mà còn tăng. Còn ở Việt Nam không có thống kê, nhưng chắc chắn trầm cảm, tự sát, tâm thần là một phần tất yếu của cuộc sống. Những người hồn nhiên kết luận "Ở Việt Nam ít người tự sát" là những người có nguy cơ cao nhất vì họ suy nghĩ nông cạn và không chịu học hỏi, vươn lên. Chúng ta không thể kết luận, vì không có thống kê.

Reiko và bệnh tâm thần

Reiko là điển hình về nạn nhân của danh vọng và xã hội coi trọng "sự cống hiến". Nếu bạn là một người bình thường, không ai để ý đến bạn. Bạn có thể khổ tâm vì mình không nổi tiếng, nhưng thực chất bạn không hiểu được "tài sản" (tức là sự không nổi tiếng) mà mình đang có. Danh vọng có thể thiêu cháy bất kỳ ai không chế ngự được nó. Bạn muốn có danh vọng thì tốt thôi, nhưng bạn phải học cách đối phó với nó.

Vấn đề của Reiko là tài năng âm nhạc. Do là một đứa bé tài năng nên nhận được nhiều khen ngợi. Sự khen ngợi, sự chú ý là một liều thuốc phiện mà nếu quen rồi sẽ rất khó bỏ. Và Reiko rơi vào vòng xoáy đó, càng ngày áp lực phải chơi tốt càng lớn hơn, không cho phép mình thất bại. Rồi một ngày hệ thần kinh hết chịu nổi, ngón tay tê cứng và không chơi đàn được nữa. Sau đó Reiko cảm thấy bản thân vô giá trị, dằn vặt và bị thần kinh.

Về vấn đề này, tôi xin khẳng định đây là điển hình trong xã hội trọng "sự cống hiến" của Nhật. Tức là, con người được đánh giá theo tài năng và sự cống hiến của họ. Họ càng tài năng và cống hiến, danh vọng có được càng lớn. Rốt cuộc, họ sống theo kỳ vọng của số đông mà quên đi bản ngã (tức là bản năng, dục vọng của bản thân). Họ có danh vọng và sợ mất nó cho dù nó không còn đem lại niềm vui cho họ nữa. Đó là sự nghiện ngập. Con người xác thịt của họ không được làm vui sướng trong một thời gian dài thì đơn giản là nó không đáp ứng nữa. Cuộc sống là chuỗi hành động và tưởng thưởng, không phải là chuỗi những hành động chẳng đem lại sự vui sướng nào.

Tóm lại là Reiko đã không sống cho bản thân: Một đứa trẻ thì nên vui chơi với bạn bè chứ không nên chỉ chăm chăm vào một môn nào đó. Đó là kiểu người sống "nghiêm túc, đúng đắn" (tức là nhàm chán cao độ). Thậm chí, về đứa bé gái đã dụ dỗ mình, Reiko không hiểu vì sao có tiềm năng mà nó không thực sự theo đuổi âm nhạc. Lý do thì có gì khó hiểu đâu: Bởi vì nó không thích! Tài năng có thể là một nhà tù: Dù bạn không thích nó nhưng nó cho bạn miếng ăn, danh vọng thì bạn theo đuổi nó. Dù sao, đó là kiểu sống khổ sở và làm hại bản thân.

Tài năng và danh vọng là những cạm bẫy có thể đẩy con người ta xuống bùn. Cuối cùng nhìn lại tôi thấy rằng những người ngoan ngoãn, học hành giỏi giang thường sau này dễ bị tâm thần và sống bế tắc nhất. Bởi vì họ suy nghĩ không trong sáng (thường nghĩ mình giỏi và thấy mình xứng đáng được hưởng nhiều quyền lợi hơn - thường là không tương xứng với đóng góp của họ).

Tâm thần và trầm cảm

Đây là đề tài xuyên suốt trong "Rừng Na Uy". Quả thực, nếu chúng ta quan sát thì trầm cảm và tâm thần có rất nhiều quanh ta, ở đủ mọi hình dạng từ nặng tới nhé. Nặng thì điên loạn như Naoko, nhẹ thì suốt ngày khổ tâm và không hạnh phúc như người cha của Midori (và để giải tỏa thì hành hạ, chửi mắng con cái!). Đó là thứ mà tất cả con người phải đối mặt chứ không phải là vấn nạn của riêng một ai. Nó là quá trình đấu tranh để trả lời câu hỏi "Tôi sống vì cái gì?". Trong cuộc đời, ai cũng sẽ phải trả lời câu hỏi đó vì đơn thuần con người là sinh vật có tư duy. Nếu bạn không hay chưa trả lời được câu hỏi đó, bạn sẽ còn day dứt và dằn vặt (thậm chí bế tắc) đấy.

Vậy Takahashi sống vì cái gì? Tôi có rất nhiều câu trả lời tùy theo trường hợp và thời điểm, nhưng thường nhất vẫn là:

- "Chẳng để làm gì cả, sống cho vui vậy thôi"

- "Sống là sống, không hiểu điều đó thì chết đi cho đỡ chật đất"

- "Sống là chém gió! Còn sống là còn chém gió!"

- "Sống để ... chờ chết!"

Tất nhiên tôi không bao giờ phang những câu đạo đức giả kiểu "Sống để giải phóng nhân loại (ặc ặc, bản thân mình còn giải phóng không xong)", "Sống để cống hiến cho xã hội (nghe ngu vãi, vì xã hội nó vẫn tồn tại nếu không có sự cống hiến của tôi và cũng không thấy nó kêu gì)", "Sống để góp phần làm cuộc sống những người xung quanh tốt đẹp hơn (để làm gì? đằng nào họ cũng xuống bùn như Naoko mà!)" bởi vì đó là những suy nghĩ dẫn tới tâm thần và trầm cảm rất nhanh. Tôi không muốn về già lại thành mê tín di đoan đi thờ cúng khắp nơi và suốt ngày lo nghĩ chuyện mồ mả tổ tiên!

Bạn nên sống vì cái gì?

Chẳng có công thức chung là nên sống vì cái gì cả. Bạn hãy sống vì bất cứ cái gì bạn thích. Hay có thể chỉ là sống qua ngày đoạn tháng. Đâu có sao, miễn là bạn vẫn lịch sự và thân ái, thì tôi vẫn coi bạn là con người cao đẹp. Mà như thế là bạn hơn khối bọn đạo đức giả.

Chúng ta phải hỏi "Tôi sống vì cái gì?" cho đến khi chúng ta không cần phải trả lời nó nữa, chứ không phải là cho tới khi chúng ta tìm thấy câu trả lời. Vì câu trả lời không hề có, hay nói cách khác: Nó có ở mọi nơi. Rốt cuộc thì chúng ta nên hỏi "Tôi thích cái gì?", nếu bạn không thực sự thích cái gì thì cứ sống tà tà qua ngày đoạn tháng cho tới khi tìm thấy cái gì đó vui chơi giải trí, dù chỉ trong chốc lát. Có một điều là đừng bao giờ đạo đức giả và hô những khẩu hiệu gian dối hay rỗng tuếch, vì nó sẽ làm bại hoại đầu óc và nhân cách nhanh lắm đấy. Tôi thì thà đi nghiên cứu hệ sinh thái thực vật ở Đà Lạt, còn hơn vấy bẩn thanh danh vì những câu đạo đức giả như thế!

Câu kết

"Rừng Na Uy" cũng chẳng có gì đặc sắc lắm, về mặt triết lý cũng chỉ tầm thường như cân đường hộp sữa. Ví dụ "Sự chết tồn tại, không phải như một đối nghịch mà là một phần của sự sống" hay là "Bằng cách sống cuộc đời của mình, chúng ta đang nuôi dưỡng sự chết", câu đầu thì cứ cho là tàm tạm đi (tầm thường) nhưng câu sau thì nghe cuộc đời là một con đường nhàm chán vậy.

Dù sao, đó cũng là chân thực xã hội Nhật Bản: Dễ trầm cảm vì quá nghiêm túc và chém gió không giỏi. Cứ chém gió ác vào, thì trầm cảm sao được? Người Việt Nam dù sao cũng sống khá vui vẻ, vì họ thường góp gió thành bão. Một ly trà chanh, thế là đủ cho một cuộc chém gió tê lưỡi!

Phê bình

"Rừng Na Uy" hay bị phê bình là coi sex như là giải pháp. Ví dụ Reiko, sau cái chết của Naoko cũng thức tỉnh và quyết tâm quay lại cuộc sống bình thường. Trong lần tới thăm Watanabe để từ biệt, Reiko đã làm tình với anh ta. Cũng là một cách cho thấy Reiko đã thay đổi, đó là biết đáp ứng nhu cầu của bản thân hơn (thay vì sống vì những thứ rỗng tuếch như sự kỳ vọng của những người xung quanh).

"Rừng Na Uy" dễ gây ngộ nhận cho nhiều người rằng "Tình dục là giải pháp cho cuộc sống". Hãy coi chừng vì tuy tình dục là một phần (tất yếu) của cuộc sống, nhưng nó không phải là toàn bộ cuộc sống, và càng không phải là giải pháp.

Lời khuyên chân thành: Hãy theo đuổi dục vọng nhưng đừng bao giờ theo đuổi quá mức cần thiết. Còn phải dành sức để trả chanh chém gió nữa chứ!

Takahashi @ Cuộc Sống Nhật Bản